Văn hóa

Ứng dụng công nghệ trong giáo dục di sản: Sản phẩm hiện đại giúp bảo tồn quá khứ

Nguyễn Thanh 22/07/2023 06:35

Ứng dụng khoa học công nghệ trong giáo dục di sản nhằm lan tỏa giá trị, ý nghĩa văn hóa, lịch sử đất nước, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, trải nghiệm của thế hệ trẻ trong thời đại 4.0. Trước đòi hỏi thực tiễn này, những năm qua, các bảo tàng, di tích đã không ngừng tìm tòi, đưa công nghệ hiện đại vào các chương trình giáo dục di sản, các hoạt động trải nghiệm, góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị di sản một cách hiệu quả và bền vững.

trien-lam-3d.jpg
Một triển lãm 3D của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Ảnh: Thái Linh

Nhiều chương trình sáng tạo, hấp dẫn

Năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tích cực đẩy nhanh việc nghiên cứu xây dựng chương trình “Giờ học lịch sử online” trên các nền tảng ứng dụng: Zoom, Google Meet, Microsoft Teams… Với thời lượng từ 45 đến 60 phút, mỗi chương trình là một chủ đề được thiết kế sinh động, bắt mắt, kết hợp với kiến thức lịch sử bổ ích, trò chơi trải nghiệm thú vị và câu hỏi trí tuệ, phù hợp với lứa tuổi. Trưởng phòng Giáo dục, Công chúng (Bảo tàng Lịch sử quốc gia) Phạm Thị Mai Thủy cho biết: “Giờ học lịch sử online” là hình thức giáo dục hướng tới đối tượng công chúng không hoặc chưa có điều kiện đến tại bảo tàng.

“Sau khi tham gia chương trình, điểm chung của các bạn trẻ là yêu thích lịch sử hơn, có ý thức chủ động tra cứu, tìm hiểu. Đây chính là động lực để chúng tôi nâng cao hơn nữa chất lượng chương trình, cũng như nhân rộng mô hình tới nhiều di tích, bảo tàng bạn, như chương trình “Khám phá di sản ba miền”, tại các bảo tàng: Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh… Từ tháng 6-2020 đến tháng 4-2023, đã có hơn một nghìn chương trình như thế được tổ chức với 27.759 lượt học sinh tham gia”, bà Phạm Thị Mai Thủy chia sẻ.

Tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, việc ứng dụng công nghệ được thực hiện đồng bộ nhiều năm qua, góp phần mang đến cho công chúng những trải nghiệm mới qua nhiều sản phẩm, như: Ứng dụng thuyết minh tự động trên smartphone với 5 ngôn ngữ; màn hình chạm tương tác diễn giải lịch sử; trưng bày trực tuyến và tour tham quan ảo…

Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Bảo quản - Trưng bày (Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội) thông tin, đến nay, các hoạt động trưng bày, triển lãm chuyên đề tại Hoàng thành Thăng Long đều được triển khai bằng hai hình thức: Trực tiếp và online. Các bảo vật quốc gia và hiện vật tiêu biểu cũng tiếp tục được nghiên cứu, xây dựng thông tin và gắn mã QR code để du khách dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận, và như vậy hiệu quả tuyên truyền cũng lan tỏa rộng rãi hơn.

Công nghệ - cây cầu nối quá khứ với tương lai

Bản chất của ứng dụng công nghệ trong bảo tàng, di tích là sử dụng công nghệ để tinh chỉnh, thiết kế thông tin thêm cuốn hút và dễ dàng thẩm thấu hơn, qua đó góp phần thay đổi trải nghiệm văn hóa, làm cho nó trở nên hấp dẫn hơn đối với công chúng. Để bắt kịp xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhiều bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội đã và đang tích cực tìm tòi, nghiên cứu, khai thác “cây cầu” công nghệ cho mục tiêu đưa di sản đến gần hơn với công chúng.

Song, bên cạnh những kết quả khả quan, việc ứng dụng khoa học công nghệ tại bảo tàng, di tích hiện nay vẫn còn những hạn chế nhất định, như: Chưa có sự đa dạng trong các phần mềm ứng dụng, chưa có giải pháp công nghệ đột phá; đối tượng hướng tới trong các chương trình giáo dục di sản còn bó hẹp; việc triển khai thường xuyên gặp nhiều khó khăn do thiếu nhân lực…

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam Lê Vũ Huy phân tích, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên, trong đó việc thiếu đầu tư nhân lực, vật lực cho ứng dụng công nghệ là vấn đề cốt lõi. “Công nghệ hiện đang thay đổi rất nhanh chóng. Nhiều công nghệ ở trong nước đang tiếp cận đã lạc hậu so với thế giới. Trong khi đó, các chương trình phải thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức thu hút, tránh gây nhàm chán. Do đó, nếu không có sự đầu tư bài bản, đồng bộ thì việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động giáo dục di sản sẽ còn gặp nhiều thách thức”, ông Lê Vũ Huy nêu.

Về vấn đề này, Trưởng phòng Quản lý bảo tàng và di sản tư liệu, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Hải Ninh chỉ rõ, các bảo tàng, di tích cần xác định mục tiêu của mình để triển khai công nghệ mới trong các hoạt động giáo dục. Chẳng hạn, mục tiêu có thể là nâng cao khả năng tiếp cận, tăng mức độ tương tác của khách tham quan hay cung cấp cơ hội học tập từ xa. Cùng với đó là nghiên cứu và xác định các công nghệ phù hợp, xây dựng kế hoạch ngân sách, đào tạo nhân viên và tình nguyện viên. Đồng thời, cần thường xuyên đánh giá hiệu quả vận hành công nghệ trên cơ sở phản hồi của công chúng, chỉ số tương tác… để thực hiện các điều chỉnh cho phù hợp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ trong giáo dục di sản: Sản phẩm hiện đại giúp bảo tồn quá khứ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.