(HNM) - Là “cây cầu” nối giữa hiện tại và quá khứ, giáo dục di sản trang bị cho các thế hệ hôm nay, nhất là thế hệ trẻ những kiến thức, hiểu biết sâu sắc về lịch sử, truyền thống văn hóa, từ đó hình thành nên tình yêu, niềm tự hào và thái độ đúng đắn trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản. Những năm gần đây, phương thức giáo dục này đang được chú trọng khai thác tại các bảo tàng, di tích trên địa bàn Hà Nội, thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều nhà trường từ cách làm sáng tạo và chuyên nghiệp, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá di sản.
Gieo “mầm” yêu di sản
Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (phường Nam Đồng, quận Đống Đa) vừa tổ chức cho các học sinh lớp 4 tham gia “Lớp học xưa” - một trong nhiều chủ đề giáo dục di sản tại Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Tại đây, các em được tìm hiểu về không gian học tập của học trò thời xưa, với chõng tre, phản gỗ, bút lông, mực tàu… từ đó hào hứng chỉ ra những điểm giống và khác nhau giữa hai không gian học tập hiện tại và quá khứ. “Lớp học xưa” càng sôi nổi hơn khi các bạn nhỏ được trải nghiệm làm sĩ tử, học cách mài mực, viết bút lông trên giấy dó, hay thử làm tranh dân gian, tranh in chữ, hoa văn trên mộc bản bia tiến sĩ.
Những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân này sẽ theo các bạn nhỏ về nhà như một món quà lưu niệm, nhắc nhở về những điều thú vị có được từ lớp học đặc biệt này. Em Phạm Duy Nam, học sinh lớp 4B chia sẻ: “Con rất thích buổi học hôm nay, nhất là lúc tập mài mực và in chữ trên bia tiến sĩ. Con ước sẽ được tham gia lớp học nhiều hơn nữa để biết được thêm nhiều điều bổ ích hơn”.
Được biết, những lớp học như trên đã và đang tổ chức thường xuyên tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thu hút hàng nghìn lượt học sinh tham gia trải nghiệm mỗi năm, nhất là trong dịp nghỉ hè. Theo ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hiện trung tâm đang duy trì hơn 30 chủ đề về giáo dục di sản. Các chủ đề được xây dựng theo phương pháp mới, với nội dung sáng tạo, hấp dẫn, phù hợp cho từng lứa tuổi, như: Khám phá bia tiến sĩ, thi hương thi hội thi đình, vinh quy bái tổ, kiến trúc nghệ thuật Khuê Văn Các…
“Để hoạt động giáo dục di sản chuyên nghiệp hơn, trung tâm cũng tổ chức không gian “Trải nghiệm cùng di sản”, trang bị đầy đủ các điều kiện, như: Bàn, ghế, máy chiếu, máy tính… Nhờ vậy, các hoạt động khuyến học tại đây ngày càng đi vào nền nếp, giúp các em học sinh nhận thức được những giá trị tốt đẹp từ truyền thống văn hóa, lịch sử, từ đó hình thành nên thái độ đúng đắn, lòng yêu mến di sản văn hóa dân tộc”, ông Lê Xuân Kiêu nói.
Thêm yêu truyền thống văn hóa đất nước
Văn Miếu - Quốc Tử Giám không phải là điểm đến duy nhất tổ chức tốt các hoạt động giáo dục di sản. Thời gian qua, những tính năng hữu ích từ phương pháp giáo dục đặc biệt này đang được nhiều bảo tàng, di tích chú trọng khai thác, nhằm nâng cao hiệu quả giáo dục di sản, đặc biệt là vào dịp nghỉ hè - thời điểm việc học tập tại trường đã được giảm tải.
Có thể kể đến Di tích Nhà tù Hỏa Lò với chương trình “Em học làm thuyết minh” khơi dậy đam mê học và tìm hiểu lịch sử, khích lệ sự tự tin, khả năng thuyết trình trước đám đông của trẻ nhỏ. Bảo tàng Hà Nội tổ chức các workshop làm tranh sơn mài, làm đồ thủ công ghép từ vải vụn… với các nội dung gần gũi với văn hóa truyền thống, lịch sử Hà Nội và đất nước. Khu di sản Hoàng thành Thăng Long tạo sân chơi thực hành, trải nghiệm và tìm hiểu lịch sử qua các chương trình “Em làm nhà khảo cổ”, “Em tìm hiểu di sản”…
Đặc biệt, nhiều điểm đến còn nỗ lực tìm tòi cách thức sáng tạo, linh hoạt để đưa di tích đến gần hơn với công chúng, như: Bảo tàng dân tộc học tổ chức các trưng bày lưu động tại nhiều trường học; Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện chương trình “Đưa Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò đến gần hơn với công chúng” tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận… Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang cho biết: “Để ngày càng thu hút khách tham quan, trung tâm đã ký hợp tác với ngành văn hóa Thủ đô đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản. Nhờ vậy, lượng học sinh tham gia giáo dục di sản tại đây tăng lên 19 nghìn lượt/mỗi năm, trong khi trước đó chỉ chưa đến 4 nghìn lượt...”.
Bên cạnh những nỗ lực sáng tạo về nội dung, cách thức tổ chức, theo Tiến sĩ Trần Đức Nguyên (Đại học Văn hóa Hà Nội), các bảo tàng, di tích cần tăng cường, chủ động phối hợp, liên kết với cơ sở giáo dục để đưa chương trình giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội vào nội dung học tập cũng như đưa học sinh đến các di tích, bảo tàng trải nghiệm thực tế. Thông qua các chương trình tham quan mang tính “về nguồn” như: Kết nạp đoàn, đội, các cuộc thi tìm hiểu về di tích lịch sử, từ đó giúp các thế hệ học sinh thêm hiểu, thêm yêu truyền thống văn hóa đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.