Ngày 22/10, chính quyền liên bang Mỹ đã đóng cửa 7 ngân hàng, đưa tổng số ngân hàng bị phá sản từ đầu năm đến nay ở Mỹ lên 139, chỉ kém 1 so với số ngân hàng bị đóng cửa trong cả năm 2009.
Lớn nhất trong số 7 ngân hàng bị đóng cửa ngày 22/10 là Hillcrest Bank of Overland Park có trụ sở tại bang Kansas và tài sản trị giá gần 1,65 tỷ USD và tổng tiền gửi là 1,54 tỷ USD. Ngoài ra, còn có các ngân hàng nhỏ có tài sản trị giá từ 80 triệu USD đến 140 triệu USD.
Đúng như dự đoán của Chủ tịch Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) của Mỹ, bà Sheila Bair, số ngân hàng bị sập tiệm trong năm nay sẽ nhiều hơn năm ngoái nhưng giá trị tài sản của các ngân hàng bị đóng cửa trong năm nay nhỏ hơn năm 2009 và năm 2008 vì chỉ có các ngân hàng nhỏ và ngân hàng cộng đồng mới không tiếp tục trụ vững.
Số ngân hàng mà FDIC đưa vào danh sách "các ngân hàng có vấn đề" tăng lên 829 ngân hàng vào cuối quý 2 năm 2010 từ mức 775 ngân hàng vào cuối quý 1.
Nếu tính từ năm 2008, với tài sản trị giá 307 tỷ USD, ngân hàng Washington Mutual là ngân hàng lớn nhất bị sập tiệm trong thời kỳ khủng hoảng tài chính vừa qua. Ngân hàng này bị đóng cửa vào tháng 9/2008.
Cũng trong tuần qua, FDIC ước tính tiền bảo hiểm cho các ngân hàng bị đóng cửa trong năm nay sẽ thấp hơn 20 tỷ USD, so với số tiền bảo hiểm mà FDIC phải thanh toán cho các ngân hàng trong năm 2009 là hơn 30 tỷ USD.
FDIC cũng dự đoán tổng số tiền bảo hiểm cho các ngân hàng bị sụp đổ trong giai đoạn từ 2010 đến 2014 sẽ vào khoảng 52 tỷ USD, thấp hơn dự đoán trước đây 8 tỷ USD, vì cơ quan này nhận định rằng nhờ sự hồi phục của nền kinh tế nên số ngân hàng bị sụp đổ có thể ít hơn và do đó các khoản lỗ mà quỹ bảo hiểm phải gánh chịu sẽ thấp hơn.
Hiện tại, FDIC đang bảo hiểm tối đa 250.000 USD cho mỗi tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng được FDIC bảo hiểm./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.