(HNM) - Thời tiết dịp cuối năm đang “chính vụ” hanh khô, những vụ cháy liên tiếp xảy ra gần đây khiến nhiều người phấp phỏng lo lắng. Theo chân các chiến sĩ lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) trong tháng cao điểm kiểm tra công tác PCCC tại các địa phương, dễ nhận thấy còn quá nhiều nguy cơ
Nhiều tồn tại…
Chỉ trong hai ngày đầu tháng 12, trên địa bàn thành phố đã liên tiếp xảy ra hai vụ cháy lớn tại khu công nghiệp Ngọc Hồi, Thanh Trì và cháy xưởng nhựa tại làng Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. Trước đó vài ngày là các vụ cháy tại Trường Mầm non Vimeco thuộc tòa chung cư Vimeco trên đường Nguyễn Chánh, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy và cháy tại bể bơi Phương Anh thuộc tòa chung cư CT1-B, phường Phúc La, quận Hà Đông. Rất may, những vụ cháy trên đã được dập tắt kịp thời, không gây thiệt hại về người, song đã góp thêm vào danh sách dài những công trình bị “bà hỏa” ghé thăm từ đầu năm 2016 đến nay trên địa bàn thành phố.
Các cơ sở sản xuất cần chú trọng vệ sinh công nghiệp, bảo đảm an toàn cháy nổ. Ảnh: Thái Hiền |
“Sức nóng” từ những vụ cháy kể trên tiếp tục là lời cảnh báo trực quan về công tác PCCC tới người dân, chính quyền địa phương và cả những chiến sĩ cảnh sát PC&CC thành phố. Cuối tháng 11-2016, nhóm PV Hànộimới tiếp tục theo chân các chiến sĩ cảnh sát kiểm tra công tác PCCC và ghi nhận thực tế: Nhiều người có cảm giác yên tâm khi vào các tòa nhà cao tầng, phòng hát karaoke, siêu thị… thấy có bình cứu hỏa, họng nước, chuông báo cháy, hệ thống hút khói tầng hầm… Song thực tế những dụng cụ này phát huy tác dụng thế nào khi xảy ra sự cố cháy thực sự là điều đáng bàn.
Nằm ngay khu vực trung tâm sầm uất của phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy), tòa nhà Trung Yên I do Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng - Đô thị (UDIC) là chủ đầu tư có diện tích 2.500m2 gồm 1 khối nhà 19 tầng. Tòa nhà được nghiệm thu PCCC từ tháng 12-2008 và năm 2009 cư dân về ở. Tuy nhiên, qua kiểm tra vào ngày 30-11-2016, Phòng Cảnh sát PC&CC số 3 (Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội) đã phát hiện nhiều tồn tại. Dễ nhận thấy nhất là gần như toàn bộ hành lang bao quanh tầng một bên ngoài tòa nhà bị trưng dụng làm điểm trông giữ xe đạp, xe máy và ô tô. Vì thế, dù tòa nhà được bố trí đủ các họng nước chữa cháy nhưng nếu xảy ra cháy rất khó tiếp cận với các vị trí này vì lượng xe cộ lớn đã cản đường đi lối lại quanh tòa nhà. Nguy hiểm hơn, tại điểm trông giữ hàng trăm chiếc xe máy này lại chỉ có 2 bình bọt chữa cháy đã hỏng ống dẫn bọt và phần chốt. Tại kho gas, toàn bộ bình chữa cháy được ghi nhật ký đợt kiểm tra bảo dưỡng cuối cùng từ… tháng 4-2015. Giải thích với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Thanh Bình, quản lý tòa nhà nói ngắn gọn: “Bình vẫn còn hạn và vẫn sử dụng được”. Chưa hết, tại một lối thoát nạn của siêu thị Fivimart (ở tầng 1) hàng hóa, bao bì được xếp đầy, bên ngoài cửa công nhân vẫn liên tục bốc dỡ hàng. Theo bà Phạm Thị Hạnh, Giám đốc điều hành siêu thị Fivimart, toàn bộ hàng hóa bày bán tại siêu thị rộng hơn 1.000m2 đều được vận chuyển qua lối thoát nạn này. Trong khi đó tại gian bán hàng đồ chơi ở cửa siêu thị, dây dẫn điện bị chủ cửa hàng tận dụng làm nơi treo hàng hóa.
Ở tầng 2 và 3 của tòa nhà là khu vực văn phòng, đoàn kiểm tra tiếp tục ghi nhận nhiều sai sót trong công tác PCCC. Cụ thể, tại văn phòng Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sao, trên diện tích mặt bằng hơn 1.000m2 có nhiều vi phạm về an toàn PCCC như lắp đặt sử dụng dây dẫn điện không bảo đảm an toàn PCCC; tại phòng kinh doanh số 1 thời điểm kiểm tra đang có 86 người làm việc nhưng chỉ có một cửa thoát nạn, trong khi đó ở phòng kinh doanh số 2 với 70 người dù có 2 cửa thoát nạn nhưng sai về quy cách; một số phòng khác chưa gắn đầu báo cháy, trang bị bình chữa cháy chưa đầy đủ… Theo đại diện công ty, đa số nhân viên làm việc tại đây chưa được tập huấn nghiệp vụ về PCCC. Vấn đề đáng lo ngại đặt ra là với tình trạng như vậy, nếu xảy ra tình huống nguy hiểm thì hàng trăm con người đang làm việc tại đây sẽ thoát nạn bằng cách nào?
Tại tầng áp mái tòa chung cư, văn phòng Công ty cổ phần Công nghệ Giáo dục trực tuyến Aladanh có hàng loạt bất cập như chưa có bình chữa cháy; hệ thống dây tại tủ kỹ thuật không có nắp đậy; không có đèn Exit…, bà Nguyễn Thị Thủy, đại diện Công ty giải thích: Công ty mới chuyển đến đây được vài ngày nên chưa sắp xếp ổn định. Kiểm tra tại một số tầng có cư dân sinh sống, Thiếu tá Trương Mạnh Tuấn, Phòng Cảnh sát PC&CC số 3 nhắc nhở Ban quản trị và người dân cần lưu ý nhiều vấn đề như trong từng căn hộ nên trang bị bình chữa cháy xách tay; trục kỹ thuật điện tại các tầng chưa chèn bịt gây nguy cơ cháy lan và không ngăn được khói; ống đổ rác ở ngay chiếu nghỉ cầu thang bộ thoát nạn nên trang bị thêm cửa phía ngoài để ngăn khói…
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trong công tác kiểm tra, giám sát PCCC, mỗi nơi có một đặc thù riêng, đòi hỏi người chiến sĩ cảnh sát PCCC phải hiểu địa bàn, gắn bó với người dân. 8 giờ sáng tại Phòng cảnh sát PC&CC số 12, những người lính cứu hỏa bắt tay vào nhiệm vụ của một ca mới. Những động tác kiểm tra trang thiết bị chữa cháy, bảo hộ lao động diễn ra thuần thục, nhanh gọn. Theo chân các chiến sĩ cảnh sát Phòng Cảnh sát PC&CC số 12 đi kiểm tra trên địa bàn, chúng tôi nhận thấy một thực tế, các điểm kinh doanh karaoke ở khu vực ngoại thành thường có diện tích rộng, nhiều lối đi lại nên khi xảy ra tình huống cháy sẽ dễ dàng thoát nạn hơn. Kiểm tra tại cơ sở kinh doanh karaoke Mạnh Hiền 2, do bà Đỗ Thị Giang làm chủ, có 10 phòng hát (bình quân 25m2/phòng) được trang bị đầy đủ mỗi phòng 2 bình chữa cháy vẫn còn hạn sử dụng, kèm theo là bảng nội quy, tiêu lệnh PCCC và đèn Exit vẫn hoạt động. Cơ sở này cũng quy định trong mỗi phòng hát cấm khách sử dụng các nguồn nhiệt; bảng quảng cáo đúng kích cỡ quy định; có quyết định thành lập đội PCCC cơ sở và đã được huấn luyện về PCCC; đã xây dựng phương án PCCC; lập sổ theo dõi phương tiện PCCC….
Đại úy Nguyễn Xuân Chiến, Đội phó Đội Hướng dẫn kiểm tra an toàn về chữa cháy (Phòng Cảnh sát PC&CC số 12) cho biết, qua kiểm tra, với những cơ sở có cơ sở hạ tầng hoàn thiện như Mạnh Hiền 2, công tác PCCC cơ bản được bảo đảm. Còn ở một số cơ sở nhỏ, cải tạo từ nhà ở vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Ông Từ Như Mạnh, chủ một cơ sở karaoke ở thị trấn Thường Tín lý giải: Chúng tôi rất ý thức về công tác phòng cháy, nhưng việc đầu tư một hệ thống PCCC cho quán karaoke theo đúng quy định như hiện nay rất tốn kém, trong khi thu nhập ở vùng nông thôn lại thấp. Theo Đại úy Nguyễn Xuân Chiến: “Bên cạnh việc yêu cầu hoàn thiện hạ tầng PCCC, chúng tôi cũng kiến nghị người dân quan tâm đến hệ thống điện; không sắp xếp các vật tư, hàng hóa đè lên đường điện, lối thoát nạn, phương tiện chữa cháy; thành lập đội PCCC và tổ chức huấn luyện thường xuyên…”.
Chia sẻ về công tác PCCC ở khu vực ngoại thành, Thượng tá Đỗ Xuân Bình, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PC&CC số 12, chia sẻ: “Lính cứu hỏa phải luôn trong tư thế sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Vùng ngoại thành không có nhiều quán karaoke, quán bar, vũ trường, trung tâm thương mại… nhưng lại là nơi có nhiều cụm công nghiệp, làng nghề với hàng nghìn xưởng sản xuất nên nguy cơ cháy cũng rất cao”. Thống kê của Phòng Cảnh sát PC&CC số 12 cho thấy, tại địa bàn huyện Thường Tín và Phú Xuyên có 6 cụm công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp với 114 cơ sở sản xuất. Những nơi có nguy cơ cháy cao tập trung tại các xã có nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm ở xã Tiền Phong và làng nghề may, phân loại vải vụn ở xã Hòa Bình (huyện Thường Tín); làng nghề sản xuất túi, giày, dép da ở xã Phú Yên (Phú Xuyên).
Theo Thượng tá Đỗ Xuân Bình, ý thức của người dân về PCCC ở các làng nghề chưa cao; nhiều xưởng sản xuất xây dựng không đúng tiêu chuẩn về PCCC; lối thoát nạn thường bị biến thành nơi tập kết hàng hóa. Đặc biệt, việc vệ sinh công nghiệp trong các làng nghề chưa được người lao động và chính quyền các địa phương quan tâm. “Tại các làng nghề sản xuất đồ mộc và may, lượng bụi gỗ, bụi vải bám trên hệ thống dây điện nhiều nhưng không được vệ sinh thường xuyên làm gia tăng nguy cơ cháy, chập điện” - Thượng tá Đỗ Xuân Bình lấy ví dụ.
(còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.