(HNM) - Gần 1 thập kỷ trôi qua kể từ khi Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ trong làn sóng “Mùa xuân Arab”, Libya chưa lúc nào tìm lại được sự bình yên. Tranh giành quyền lực, xung đột nội bộ kéo dài kèm theo sự can dự của nhiều bên liên quan đang biến đất nước này trở thành một “thùng thuốc súng” tiềm ẩn những nguy cơ khó lường ở khu vực Bắc Phi.
Tình trạng chia rẽ chính trị và leo thang bạo lực xuất hiện không lâu sau khi Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp Libya chính thức tuyên bố về cái chết của Tổng thống M.Gaddafi vào ngày 20-10-2011. Thời điểm đó, nhiều người cho rằng, cuộc chính biến sẽ đưa nước này bước sang một trang mới. Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như vậy. Các nhóm vũ trang đã hợp sức lật đổ chế độ của nhà lãnh đạo Libya không tìm được tiếng nói chung trong chia sẻ quyền lợi thời "hậu Gaddafi".
Kết quả là, ở quốc gia Bắc Phi này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng. Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc công nhận hiện hoạt động ở thủ đô Tripoli và được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar hậu thuẫn. Trong khi đó, Lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) do Tướng Khalifa Haftar đứng đầu hoạt động ở miền Đông được Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Nga, Ai Cập hỗ trợ.
Sự can thiệp của quá nhiều quốc gia với những mục tiêu khác nhau khiến cuộc khủng hoảng Libya ngày càng phức tạp. Thậm chí có ý kiến còn lo ngại Libya sẽ trở thành chiến địa mới của các nước lớn, hoặc một Syria thứ hai. Trên thực tế, những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở. Hồi đầu năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa 2.000 quân sang Libya để bảo vệ GNA và đẩy lùi LNA ra khỏi các khu vực chiếm đóng. Không để LNA thất thế, cuối tháng 5, Nga đã điều 14 máy bay MiG- 29 và SU-24 tới một căn cứ không quân tại Libya. Sự xuất hiện của các chiến đấu cơ của Nga đã giúp Tướng Khalifa Haftar lật ngược tình thế sau một loạt thất bại và giữ được thành phố chiến lược Sirte.
Nhiều nỗ lực ngoại giao đã được thúc đẩy song khó có thể đi tới một thỏa thuận chia sẻ quyền lực khi các bên đều có những toan tính riêng trên bàn cờ Libya. Trong một động thái mới nhất, ngày 20-6, GNA tuyên bố không tham gia các cuộc đàm phán của ngoại trưởng các nước thành viên Liên đoàn Arab (AL), dự kiến diễn ra vào tuần tới về cuộc khủng hoảng đang diễn ra tại nước này. Lý do là vì ngoại trưởng các nước thành viên Liên đoàn Arab không tham vấn trước với chính quyền GNA về nội dung cuộc gặp. Điều này có thể khoét sâu thêm rạn nứt giữa các nước Arab về cuộc xung đột vũ trang tại Libya. Bên cạnh đó, một cuộc gặp trực tuyến không thể giải quyết được các vấn đề phức tạp liên quan.
Trước đó, Ai Cập đã đề xuất tiến hành đàm phán theo hình thức trực tuyến nhằm thúc đẩy thỏa thuận hòa bình tại Libya. Hướng đi này được UAE, Jordan và Saudi Arabia hưởng ứng trong khi vấp phải sự phản đối của GNA và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn kêu gọi đàm phán về một lệnh ngừng bắn do Liên hợp quốc bảo trợ.
Trong lúc các bên bị cuốn vào vòng xoáy tranh giành quyền lực, khoảng trống chính trị và an ninh ở Libya đã tạo mảnh đất màu mỡ cho các nhóm khủng bố phát triển. Thời gian qua, GNA đã bắt giữ một số thủ lĩnh Al-Qaeda thuộc vùng Maghreb (gồm Tunisia, Libya, Morocco, Algeria, Mauritania). Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng tuyển mộ các tay súng và thiết lập những lò đào tạo khủng bố ở Libya để “xuất khẩu” sang các nước trong khu vực. Ngoài ra, xung đột ở quốc gia Bắc Phi gia tăng khiến dư luận thế giới quan ngại về tình trạng dòng vũ khí bất hợp pháp đang chảy vào nước này.
Trong bối cảnh hiện nay, các nhà phân tích cho rằng, điều cần thiết nhất là các bên đối địch ở Libya phải xây dựng được lòng tin lẫn nhau để có thể ngồi vào bàn đàm phán nhằm chấm dứt xung đột, đưa quốc gia này trở lại quỹ đạo hòa bình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.