Không quân Anh tấn công nhà tù Amiens của phát xít Đức nhằm giải cứu tù binh, nhưng lại khiến nhiều người thiệt mạng.
Máy bay Mosquito tham gia không kích (trái) và nhà tù Amiens. Ảnh: War History. |
Ngày 18-2-1944, không quân Anh tiến hành chiến dịch Jericho, tập kích nhà tù Amiens của phát xít Đức đặt tại Pháp với mục tiêu giải thoát tù binh bị giam giữ tại đây. Tuy nhiên, chiến dịch nhanh chóng biến thành thảm họa đẫm máu khi có hơn 100 tù nhân thiệt mạng, theo War History.
Nhà tù Amiens được canh gác rất nghiêm ngặt, là nơi giam giữ 717 tù nhân gồm quân kháng chiến Pháp và các chính trị gia, những người bị bắt do ủng hộ cuộc kháng chiến chống phát xít Đức. Tình báo Anh cho rằng quân Đức đã bắt đầu hành quyết tù nhân và chuẩn bị sát hại 100 người vào ngày 19-2-1944.
Chiến dịch Jericho dự kiến bắt đầu vào ngày 10-2 dưới sự chỉ huy của phó thống chế không quân Basil Embry, nhưng ông phải từ bỏ nhiệm vụ để tham gia kế hoạch chiếm lại Châu Âu của quân đồng minh. Người thay thế là đại úy Percy Charles Pickard, phi công dày dặn kinh nghiệm nhưng rất ít tham gia nhiệm vụ ném bom tầm thấp.
Theo kế hoạch, phi đội tiêm kích bom hạng nhẹ DH 98 Mosquito sẽ tiếp cận Amiens ở độ cao nhỏ và tấn công nhà tù Amiens. Đây được xem là loại máy bay phù hợp với nhiệm vụ, bởi chúng có thể tấn công chính xác và đánh sập các bức tường để tù nhân trốn thoát, không gây thiệt hại phụ như oanh tạc cơ hạng nặng. Phi công cũng được lệnh ném bom nhà ăn vào giờ ăn trưa để gây thương vong tối đa cho lính canh.
Nhiệm vụ được tiến hành vào ngày 18-2. Điều kiện thời tiết rất xấu khi tuyết rơi dày đặc khắp Châu Âu, nhưng nhiệm vụ buộc phải tiến hành do tù nhân sẽ bị hành quyết sau đó một ngày. Không quân Anh đánh giá đợt không kích sẽ khiến một số tù nhân thiệt mạng. Tuy nhiên, họ vẫn tấn công do nhiều người trong số đó đã bị kết án tử hình, khiến việc chết sớm hay muộn một ngày cũng không mang nhiều ý nghĩa.
Phi đội chủ lực gồm 18 tiêm kích Mosquito và một máy bay trang bị camera để ghi lại toàn bộ cuộc tập kích. Điều đó biến Jericho thành một trong những chiến dịch hiếm hoi được chứng kiến trên phim ảnh. Chỉ huy phi đội là đại úy Pickard, người sẽ tiến hành đợt tấn công thứ hai và đánh giá thiệt hại đối phương. 8h sáng ngày 18-2, phi đội được thông báo vắn tắt về mục tiêu và nhiệm vụ.
Việc cất cánh trong thời tiết xấu khiến hàng loạt trục trặc xảy ra trước khi máy bay Anh đến được mục tiêu. 4 chiếc Mosquito bị lạc đội hình và mất liên lạc, trong khi một chiếc khác bị hỏng động cơ. Những máy bay này phải trở lại căn cứ, khiến đợt tấn công đầu chỉ còn 4 phi cơ, thay vì 9 chiếc như kế hoạch. Sứ mệnh giải cứu trở nên mạo hiểm hơn dự kiến, vì không quân Anh phải dồn sức tấn công trong một đợt thay vì chia làm hai.
Giữa giờ trưa, cuộc tập kích bắt đầu. Ba máy bay Mosquito nhắm vào các bức tường, sử dụng bom hẹn giờ nổ sau 11 giây. Họ phá được tường ngoài trong đợt tấn công đầu tiên, nhưng phải vòng lại để đánh bồi. Hai chiếc khác ném bom ga tàu, ngăn chặn đối phương tăng viện để giúp tù nhân có cơ hội trốn thoát.
Tới 12h06, bức tường phía đông nhà tù vẫn chưa bị đánh sập. Các phi cơ Mosquito bay ở độ cao chỉ 15 m so với mặt đất và tiếp tục dội bom. Trong đợt tấn công thứ hai, hai máy bay thả bom 230 kg trúng khu giam giữ trung tâm, khiến nhiều lính canh và tù nhân thiệt mạng. Lúc này, những người bị giam giữ bắt đầu đào thoát.
Đại úy Pickard đánh giá nhiệm vụ đã thành công và ra lệnh trở về căn cứ. Trên hành trình này, phi đội Anh đối mặt với hàng loạt tiêm kích Đức. Máy bay của Pickard bị trúng đạn và đâm xuống đất, khiến tổ lái hai người thiệt mạng.
Trong số 717 tù nhân, 102 người thiệt mạng trong cuộc tập kích, phần lớn bị lính canh bắn khi cố gắng thoát thân. Có khoảng 255 người trốn thoát, trong đó có 79 quân kháng chiến, nhưng 182 người bị bắt lại chỉ trong 48 giờ tiếp theo.
Nhà tù Amiens hư hại sau đợt không kích. Ảnh: War History. |
Sử gia người Pháp Jean-Pierre Ducellier, người dành nhiều năm nghiên cứu cuộc tập kích nhà tù Amiens, cho biết, đây là một nỗ lực không cần thiết và nguyên nhân quân đội Anh đưa ra không phải lý do thật sự. Lực lượng kháng chiến Pháp không yêu cầu ném bom giải cứu tù nhân, cũng không chuyển thông tin về nhà tù cho tới khi London yêu cầu. Trên thực tế, không có vụ hành quyết nào xảy ra trước và sau cuộc đột kích.
Người ra lệnh tiến hành chiến dịch Jericho đến nay vẫn là một ẩn số. Chỉ huy đơn vị Tác chiến đặc biệt (SOE) ở Pháp Maurice Buckmaster bác bỏ quan điểm cho rằng, cơ quan này đứng sau kế hoạch tấn công. Buckmaster cho rằng, Cục tình báo Anh (MI6) mới là bên chịu trách nhiệm, nhưng tuyên bố này chưa bao giờ được kiểm chứng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.