Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đua tích trữ khí đốt tự nhiên: Cảnh báo nhiều rủi ro

Hoàng Linh| 21/08/2022 06:23

(HNM) - Trong bối cảnh thị trường khí đốt tự nhiên (LNG) bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc xung đột ở Ukraine, nhiều quốc gia sẵn sàng chi trả nhiều nhất để tích trữ, bảo đảm nguồn cung nhiên liệu. Giới chuyên môn cảnh báo, điều này có thể tạo ra nhiều rủi ro cho các nước khác.

Xung đột tại Ukraine tới nay không chỉ khiến châu Âu bế tắc trong việc chuẩn bị cho một mùa đông lạnh lẽo, mà việc nhiều nước trên thế giới nỗ lực thu mua, tích trữ LNG đang khiến chi phí năng lượng chồng chất với các quốc gia mới nổi. Điều này đồng nghĩa các chính phủ phải vật lộn duy trì dòng chảy năng lượng tới người dân vốn đang oằn mình gánh lạm phát leo thang.

Theo Hãng tin Bloomberg, lâu nay Liên minh châu Âu (EU) - nơi nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới vẫn đang chạy đua tìm kiếm nguồn cung cấp khí đốt thay thế cho Nga trước viễn cảnh thiếu hụt không thể tránh khỏi trong mùa đông này. Riêng trong năm 2021, EU đã mua 80 tỷ mét khối LNG từ các nhà cung cấp chính là Mỹ (28%), Qatar (20%), Nga (20%), Nigeria (14%) và Algeria (11%). Trong khi đó, hai nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới là Korea Gas của Hàn Quốc và Jera của Nhật Bản tuần trước đều đấu thầu số lượng lớn trên thị trường giao ngay để dự trữ cho mùa đông sắp tới và bảo đảm an ninh năng lượng đến năm 2024.

 Cơ quan định giá S&P Global Platts cho hay, giá thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng đã lập đỉnh mới vào ngày 17-8 vừa qua, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Theo Bloomberg, hệ quả của điều này là hóa đơn nhập khẩu năng lượng cho các quốc gia phát triển giờ đây đã chiếm 2-4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, với một số nền kinh tế mới nổi, con số này đã tăng lên trên 25% GDP. Nhà phân tích Sam Reynolds tại Viện Phân tích tài chính và kinh tế năng lượng (IEEFA) tại Mỹ cho rằng, trong cuộc chiến thâu tóm LNG lúc này, người chiến thắng sẽ là khách hàng có thể trả giá cao nhất.

Hệ quả là nhiều nước đang gặp khó trong việc tìm kiếm nguồn cung. Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ đã cắt giảm nhập khẩu LNG vì giá cao. Theo dữ liệu gần đây của Bloomberg, nhập khẩu của Ấn Độ đã giảm 10% trong 7 tháng đầu năm 2022, trong khi lượng nhập khẩu của Pakistan giảm 6% và Bangladesh giảm 4%. Thậm chí, Bangladesh đã hoàn toàn rút khỏi thị trường LNG giao ngay... Thiếu nhiên liệu đã dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng và điện trầm trọng ở nhiều khu vực, đồng thời khiến hoạt động kinh tế bị đình trệ, nhiều cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD không thể hoạt động.

Cụ thể, nhà phân phối khí đốt tự nhiên Ấn Độ Gail đã không thể bảo đảm đủ LNG cho khách hàng trong nước, buộc họ phải cắt giảm nguồn cung cho những người sử dụng lớn. Tại Thái Lan, thuế bán lẻ điện đã tăng 17% trong tuần này do nhập khẩu LNG đắt đỏ. Tại Pakistan, tình trạng mất điện liên tục xảy ra, trong khi chi phí điện tăng cao vì thiếu hụt nhiên liệu sản xuất điện. Các cửa hàng ở Bangladesh giờ đây phải đóng cửa lúc 20h như một phần của các biện pháp thắt lưng buộc bụng về năng lượng...

Các nhà phân tích dự báo, với việc những nền kinh tế giàu có “rút cạn” thị trường LNG toàn cầu, người tiêu dùng ở các quốc gia đang phát triển sẽ còn phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt tự nhiên thêm 4 năm nữa - thời điểm mà một số dự án khai thác khí đốt tự nhiên mới ở Qatar và Mỹ dự kiến bắt đầu đi vào sản xuất. Điều này là đáng ngại trong bối cảnh nhiều hệ lụy đã bắt đầu xuất hiện.

Có thể thấy, diễn biến mới trong dòng chảy LNG toàn cầu đã tạo ra những hiệu ứng tiêu cực với nhiều nền kinh tế, ảnh hưởng xấu tới đời sống người dân. Thực tế này đòi hỏi sớm có những biện pháp can thiệp mang tính hệ thống, nhằm bảo đảm sự hài hòa trong phân phối LNG nói riêng và năng lượng nói chung trên toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đua tích trữ khí đốt tự nhiên: Cảnh báo nhiều rủi ro

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.