(HNM) - Với tinh thần trọng dân, gần dân, vì dân, cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố Hà Nội thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo để tạo đồng thuận xã hội trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội... Trong đó, việc duy trì tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân được đặc biệt chú trọng, gia tăng hiệu ứng tích cực “Đảng gần dân, dân tin Đảng”, góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, lắng nghe, phục vụ nhân dân.
Việc lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, sớm giải quyết các vấn đề vướng mắc tại cơ sở, đáp ứng kịp thời nguyện vọng của nhân dân đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Qua đối thoại trực tiếp, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp lắng nghe người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng một cách dân chủ, thẳng thắn... Nhờ đó, hàng loạt vấn đề bức xúc, nổi cộm được giải quyết hợp tình, hợp lý, củng cố lòng tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp.
Hiệu quả của việc tiếp xúc, đối thoại là rõ ràng, song thực tế vẫn có nơi cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức tới công tác này. Vì thế, không ít cuộc đối thoại còn nặng tính hình thức, thậm chí có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm…
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác tiếp xúc, đối thoại, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2200-QĐ/TU (ngày 25-5-2017) về “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục bám sát quy định này, phát huy trách nhiệm để nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc đối thoại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về mục đích, ý nghĩa của các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp, từ đó thu hút đông đảo nhân dân tham gia..
Để tạo sự đồng thuận, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường theo dõi, nắm bắt dư luận xã hội về những vấn đề, vụ việc bức xúc; từ đó, tổ chức tiếp xúc, đối thoại kịp thời, giải quyết ngay tại cơ sở, tránh tạo thành điểm nóng. Bên cạnh các cuộc tiếp xúc định kỳ, cấp ủy, chính quyền cần chủ động tổ chức đối thoại chuyên đề, đột xuất theo tình hình địa phương. Trong quá trình đối thoại, cần tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; nội dung trả lời cần đi thẳng vào vấn đề, đáp ứng được yêu cầu của người dân.
Một việc làm quan trọng nữa là khi đối thoại, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định trong mọi tình huống; có phong cách làm việc trọng dân, gần dân và vì dân, có kỹ năng lắng nghe để được “nghe đúng, nghe đủ, nghe đa chiều”. Khi đối thoại với người dân phải thẳng thắn, trách nhiệm, thống nhất giữa nói và làm để được “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”... Muốn vậy, lãnh đạo phải không ngừng học tập, trau dồi, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức cách mạng.
Ở khía cạnh khác, để được giải quyết những vấn đề quan tâm, bức xúc, khi tham gia đối thoại, người dân cần cởi mở, mạnh dạn trình bày hết những ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của mình; đóng góp các ý kiến xác đáng trên cơ sở đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cơ chế của địa phương…
Thực hiện tốt công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp sẽ giúp lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết thấu tình, đạt lý các vấn đề ngay từ cơ sở, hạn chế khiếu kiện vượt cấp, thu hút sự tham gia của người dân vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chung sức xây dựng Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.