(HNM) - Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, các trang mạng xã hội đã trở thành
Việc rao bán tiền giả trên các trang mạng xã hội Facebook, Zalo thời gian gần đây khá công khai. Một điểm chung của những trang buôn bán tiền giả công khai là đều giấu kín địa chỉ và thông tin cá nhân. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, chúng đánh thẳng vào lòng tham của những người "nhẹ dạ". Khi đưa được "con mồi" vào bẫy và nhận tiền, các đối tượng lừa đảo “lặn mất tăm"... Vấn đề quan trọng là bên cạnh tâm lý nhẹ dạ cả tin và ham lợi, nhiều người vẫn không hiểu rằng, việc mua và sử dụng tiền giả là phạm pháp.
Hiện nay, với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, thì đối tượng vi phạm càng có nhiều điều kiện thuận lợi thực hiện thủ đoạn tinh vi che giấu việc mua, bán tiền giả, lừa đảo khách hàng. Trong đó, việc lập một trang mạng xã hội Facebook hoặc Zalo khá nhanh và dễ dàng. Đây cũng là khó khăn và thách thức không nhỏ cho lực lượng chức năng khi điều tra hành vi mua, bán tiền giả hay thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của đối tượng lừa đảo.
Bởi, nếu là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì phải chứng minh số tiền chiếm đoạt, có người bị hại. Trong khi người mua tiền giả mất tiền thật vì bị lừa cũng đành im lặng, rất ít trường hợp dám báo cơ quan chức năng vì biết đó là hành vi phạm pháp.
Pháp luật đã quy định khá đầy đủ và nghiêm khắc về hành vi mua, bán tiền giả. Theo đó, cả người mua và người bán tiền giả đều bị xử lý hình sự, không phụ thuộc vào số tiền giả nhiều hay ít. Trong khi đó, các vụ việc xảy ra ngoài thực tế cho thấy, có thể do sự thiếu hiểu biết pháp luật, hoặc do lợi ích từ việc mua, bán tiền giả rất lớn nên nhiều người đã bất chấp để vi phạm nhằm thu lợi bất chính.
Hành vi mua, bán, lưu hành tiền giả là rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho nền kinh tế, tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ và làm mất giá trị của đồng tiền thật. Trước hết, để bảo đảm an ninh tiền tệ và trật tự xã hội, người dân phải hết sức cảnh giác, không tham gia mua bán, tàng trữ, lưu thông tiền giả. Trong mọi giao dịch, khi phát hiện tiền giả cần báo ngay cho lực lượng công an để thu giữ, xử lý theo quy định.
Cũng để ngăn chặn hiệu quả việc mua, bán, lưu hành tiền giả, các cấp, ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật liên quan, khuyến cáo những thủ đoạn mua, bán, lưu hành tiền giả, nhất là trên môi trường mạng internet. Việc này phải thực hiện thường xuyên, rộng rãi, qua đó nâng cao sự hiểu biết, nhận thức của mỗi người.
Một hành vi vi phạm phổ biến hiện nay là các đối tượng thường dùng tên giả trên Facebook hoặc Zalo giao dịch bằng cách gửi mã thẻ cào, chuyển phát nhanh... nên đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, cơ quan, đơn vị chức năng, thậm chí là giữa các quốc gia để cùng xác minh, điều tra, làm rõ việc mua, bán, lưu hành tiền giả.
Đặc biệt, các đơn vị chủ quản mạng xã hội cần tuân thủ pháp luật, kiểm duyệt chặt chẽ, gỡ bỏ kịp thời những nội dung đăng tải có dấu hiệu vi phạm pháp luật của người dùng, trong đó có hành vi mua, bán tiền giả.
Quan trọng hơn cả, mỗi người dân phải hiểu rõ, việc mua, bán, lưu hành tiền giả là "tiền mất, tội mang". Mỗi người dân phải là một "giám sát viên" để phối hợp cùng cơ quan chức năng đẩy lùi, tiến tới triệt xóa nạn mua, bán, lưu hành tiền giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.