(HNM) - Bia là thứ nước giải khát du nhập vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX. Không thể phủ nhận lợi ích của thứ đồ uống này. Ngoài giá trị bổ, mát, bổ sung nước cho cơ thể, uống bia còn được coi là một nét văn hóa, trở thành thú ẩm thực không chỉ đối với người phố thị. Tuy nhiên, vấn đề đáng bàn ở đây là uống bia thế nào cho có chừng mực, không để nhếch nhác đường phố, mất trật tự đô thị, lãng phí tiền bạc và thời gian, thậm chí rước tai vạ vào mình.
Cách đây vài chục năm, bia còn là của hiếm ở Hà Nội. Thời bao cấp, cả thành phố số cửa hàng bia mậu dịch quốc doanh chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn bây giờ, hầu như đường phố nào cũng có ít nhất vài nhà hàng, quán bia. Sang thì nhà tầng biển hiệu sáng choang, không thì cũng hàng nghìn mét vuông mái tôn, từ xa đã thấy ồn ào như vỡ chợ, tiếng cười nói, hò reo í ới. Chưa kể tới hàng nghìn quán bình dân kiểu "Bia hơi Hà Nội", "Bia hơi Halida"… và cả vô số quán chẳng cần đến biển hiệu, cứ ghế nhựa xanh đỏ bày tràn ra vỉa hè… Phố phường trở nên lộn xộn, trật tự đô thị bị phá vỡ, môi trường nhếch nhác, rồi tai nạn giao thông và cả những chuyện đau lòng khác cũng đều từ đây mà ra.
Chuyện quán xá bia bọt làm mất trật tự, mỹ quan đường phố, là một nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông, không những thế còn là nơi hình thành và dung dưỡng nhiều đối tượng tội phạm hình sự, gây rối trật tự công cộng… từ lâu đã trở thành vấn đề nóng, gây nhức nhối dư luận xã hội. Cũng đã có thời các cấp chính quyền ra tay dẹp bỏ, nhưng do "đánh trống bỏ dùi", buông lỏng quản lý, thiếu kiên quyết nên các quán hàng, tụ điểm bia hơi vẫn phình ra, chất lượng bia không ai kiểm soát, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, mất trật tự và mỹ quan đô thị vẫn ngang nhiên tồn tại.
Không thể phủ nhận sự gia tăng sức tiêu thụ bia, kèm theo đó là sự "nở rộ" của các nhà hàng, quán bia dẫn đến những bất cập nói trên, có phần "tiếp tay" của chính sách đầu tư hiện hành. Ai cũng rõ sản xuất bia là một ngành mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhà đầu tư đồng thời cũng đóng góp nguồn thu rất lớn cho ngân sách. Đáng nói là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hàng chục nghìn doanh nghiệp phải giải thể, tạm thời đóng cửa hoặc thu hẹp sản xuất bởi làm ăn thất bát, tuy nhiên lĩnh vực sản xuất bia vẫn tăng trưởng tới hai con số, và trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt nhưng một số "đầu tàu" trong lĩnh vực này vẫn tính đến chuyện mở rộng quy mô sản xuất; ngoài ra, nhiều địa phương đang ráo riết chạy đua xây nhà máy bia. Nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo với tình trạng "trăm hoa đua nở" (trong lĩnh vực sản xuất bia) như thế này có thể dẫn tới tình trạng Việt Nam bị…"bội thực bia"! Song, chưa cần nói chuyện xa xôi mà mới nghĩ tới đoạn người Việt hiện chi tới 3 tỷ USD cho việc uống bia - thay vì đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh để làm ra những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu giúp người Việt có thể nở mày nở mặt với bạn bè quốc tế, không ít người đã thấy xót ruột, đắng lòng rồi.
Để hạn chế những nhức nhối đó, rõ ràng Nhà nước cần quan tâm đến chuyện quy hoạch ngành sản xuất bia sao cho phù hợp, không nên quá vì nguồn lợi trước mắt mà gây hậu quả lâu dài. Đó là chuyện vĩ mô. Còn cụ thể hơn, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý trong lĩnh vực kinh doanh, tiêu thụ bia, rượu để lập lại trật tự, mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về tác hại của việc uống bia quá đà, thiếu kiểm soát không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự đô thị mà còn đe dọa đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của mình. Đó cũng chính là một nhiệm vụ trọng tâm của các cấp chính quyền thành phố và toàn thể người dân Thủ đô trong "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014" này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.