(HNMCT) - “Cõng” phim lên miền núi, đến vùng sâu, vùng xa - công việc vất vả của các đội chiếu phim lưu động thuộc biên chế nhà nước trước kia giờ đây đã có thêm những đôi vai cùng gánh vác. Các sân chơi điện ảnh phi lợi nhuận hướng tới cộng đồng cũng đã có sự tham gia tích cực từ các đơn vị xã hội hóa. Những cái “ghé vai” ấy đang âm thầm góp phần vào sự phát triển của điện ảnh Việt.
Điện ảnh cho mọi người
Trong 5 năm qua, có khoảng 18.000 khán giả ở 22 tỉnh, thành phố trên cả nước đã được tiếp cận với một chương trình chiếu phim miễn phí mang tên Điện ảnh cho mọi người. Đây là chương trình do đơn vị phát hành phim CGV (Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam) phối hợp cùng các nhà tài trợ và các địa phương thực hiện với mong muốn mang những tác phẩm điện ảnh chất lượng của điện ảnh Việt Nam đến với khán giả, đặc biệt là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, các trường dân tộc nội trú - những người ít có cơ hội trải nghiệm điện ảnh. Nhiều bộ phim nói về tuổi học trò, tuổi trẻ của Việt Nam như: Thần tượng, Sứ mệnh trái tim, Cô gái đến từ hôm qua... đã được trình chiếu trong chương trình.
Và mới đây nhất, vào cuối tháng 10 vừa qua, bộ phim Anh thầy ngôi sao đã được giới thiệu tới 2.500 học sinh người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Yên Bái, Hà Giang và Phú Thọ. Đây là một bộ phim của đạo diễn Đức Thịnh có nội dung xoay quanh chuyện một chàng trai trẻ nuôi ước mơ trở thành ca sĩ nhưng lại ra đảo để làm thầy giáo, dạy học cho những đứa trẻ nghèo miền biển. Phim hài hước, giàu cảm xúc, tươi sáng, trong trẻo, rất phù hợp với lứa tuổi học trò. Điều đáng nói là khi đến với các em bộ phim này vẫn còn đang chiếu tại các cụm rạp hiện đại ở các thành phố lớn, còn nguyên sức hút với cả khán giả thành thị.
Chứng kiến các em háo hức xem phim, cô Sầm Thị Minh Khuyên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở huyện Văn Chấn (Yên Bái) chia sẻ: “Sự kiện này rất có ý nghĩa với học sinh người dân tộc vì các em rất ít, thậm chí gần như không có có điều kiện tiếp xúc với những bộ phim điện ảnh chất lượng cao. Với rất nhiều học sinh, được xem một bộ phim điện ảnh trên màn hình lớn cùng bạn bè là một trải nghiệm đặc biệt. Chương trình đã mang lại rất nhiều niềm vui, tiếng cười, đặc biệt tôi hy vọng chương trình lần này cũng mang đến cho các em những ý tưởng nuôi dưỡng và luôn theo đuổi ước mơ”. Đánh giá về hoạt động này, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cũng cho rằng, đây là hoạt động rất có ý nghĩa, qua đó rút ngắn sự chênh lệch về hưởng thụ điện ảnh giữa các vùng miền.
Vì một nền điện ảnh phát triển
Không chỉ mang phim đến với khán giả vùng sâu, vùng xa, các hoạt động đào tạo, khích lệ tài năng điện ảnh cũng đang có sự tham gia tích cực của các cá nhân, đơn vị tư nhân. Đầu tháng 11 vừa qua, những người làm trong lĩnh vực điện ảnh, đặc biệt là các nhà làm phim, diễn viên trẻ cũng háo hức với sự kiện Gặp gỡ mùa thu 2019. Đạo diễn Phan Đăng Di và nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc là hai người đồng sáng lập và tổ chức sự kiện này trong suốt 7 năm qua. Đây là nơi hội tụ nhiều gương mặt thành công của điện ảnh Việt Nam cùng các khách mời quốc tế nổi tiếng để tham gia vào các hoạt động trao đổi nghề nghiệp bên cạnh việc chiếu phim, trao giải và gây quỹ điện ảnh.
Năm nay, sự kiện này có sự tham gia của nhiều gương mặt tên tuổi trong vai trò giảng viên như Trần Anh Hùng (lớp đạo diễn), Lydia Park, Stephane Duclot (lớp diễn xuất), Chananun Chotrungroj, Lý Thái Dũng (lớp quay phim), Trần Nữ Yên Khê (lớp thiết kế sản xuất), Isabelle Glachant, Raymond Phathanaviranggon, Vũ Phượng (lớp sản xuất phim)... Học viên là các diễn viên trẻ tài năng như Trúc Anh, Lãnh Thanh, Võ Điền Gia Huy, Trương Thế Vinh... cho thấy sức hấp dẫn của sự kiện đối với đời sống điện ảnh trong nước.
Theo học viên - MC Thùy Dung, Gặp gỡ mùa thu là cơ hội tốt cho bất cứ ai đang làm nghề hay muốn được bước chân vào ngành điện ảnh. Còn đạo diễn Phan Gia Nhật Linh đánh giá: “Gặp gỡ mùa thu 2019 là một sự kiện điện ảnh quan trọng với giới trẻ làm phim, đã gắn kết và xây dựng được một cộng đồng thế hệ làm phim kế tiếp gắn kết và hỗ trợ nhau, cùng nói chung một ngôn ngữ điện ảnh, cùng chia sẻ niềm đam mê mà vẫn giữ được cá tính riêng của mỗi người. Chính từ đây, nhiều nhà làm phim trẻ có cơ hội được phát hiện, được thử thách, để rồi tạo ra những tác phẩm có tiếng nói độc lập và gây tiếng vang lan rộng ra tầm quốc tế như Thưa mẹ con đi, Ròm... cùng rất nhiều tác phẩm phim ngắn thành công và những tên tuổi nhà làm phim trẻ đầy hứa hẹn”. Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm còn kỳ vọng sự kiện không chỉ dừng lại ở một diễn đàn điện ảnh mà có thể phát triển thành một liên hoan phim quốc tế cởi mở và cấp tiến như Busan hoặc Rotterdam.
Thời gian qua, điện ảnh nhà nước gần như chững lại, thay vào đó là phim do tư nhân sản xuất chiếm lĩnh màn ảnh rộng. Và không chỉ là những bộ phim chạy theo doanh thu, nhiều cá nhân, đơn vị tư nhân đã quan tâm đến các dự án phi lợi nhuận dành cho cộng đồng, phát triển nhân lực điện ảnh. Cùng với Điện ảnh cho mọi người, Gặp gỡ mùa thu, các sự kiện phi lợi nhuận như cuộc thi Nhà biên kịch tài năng, Dự án phim ngắn CJ, Giáo dục cùng điện ảnh, Lớp học làm phim TOTO... chính là những cái “ghé vai” cùng gánh vác sứ mệnh điện ảnh của các đơn vị tư nhân, tạo ra cho đời sống điện ảnh trong nước một nhịp điệu sôi động, hào hứng và rất đáng khuyến khích.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.