Văn hóa

“Dấu lặng buồn” của điện ảnh Việt

An Định 24/06/2023 - 10:20

Doanh thu không ổn định, số lượng, chất lượng phim đều trồi sụt, kế hoạch phát hành phim tùy hứng... Đó là những yếu tố khiến cho điện ảnh Việt gặp rất nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư để trở thành ngành công nghiệp văn hóa đúng nghĩa.

049eb54e63bab2e4ebab.jpg
Thời điểm này các rạp chiếu vắng bóng phim Việt. Ảnh: Nhật Nam

Phim Việt vắng bóng

Mùa hè, dù được coi là mùa cao điểm của các hoạt động vui chơi giải trí song các rạp chiếu lại đang vắng bóng phim Việt. Theo lịch phát hành của các hãng phim đến thời điểm này, bộ phim ra rạp gần nhất sắp tới là “Kẻ ẩn danh” của đạo diễn Trần Trọng Dần, dự kiến ra rạp vào dịp 2-9, sau đó là phim “Đất rừng phương Nam” do đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thực hiện, dự kiến ra mắt vào tháng 10.

Như vậy, khoảng thời gian trống từ khi bộ phim “Lật mặt 6” của đạo diễn Lý Hải rút khỏi rạp chiếu vào đầu tháng 6 vừa qua đến khi có phim Việt mới ra rạp sẽ rơi vào khoảng 3 - 4 tháng. Việc phim Việt “mất tích” lâu như thế trên "sân nhà" được xem là “chưa từng có tiền lệ”, trừ giai đoạn xảy ra dịch Covid-19, và đó đang là chủ đề bàn luận trên nhiều diễn đàn điện ảnh.

Thống kê từ Box Office Vietnam cho thấy: Trong 6 tháng qua, số lượng phim Việt phát hành gồm 10 tác phẩm: “Nhà bà Nữ”, “Chị chị em em 2”, “Siêu lừa gặp siêu lầy”, “Biệt đội rất ổn”, “Khi ta hai lăm”, “Con Nhót mót chồng”, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh”, “Vong nhi”, “Tri âm The Movie: Người giữ thời gian” và “Những đứa trẻ trong sương”. Con số này được đánh giá là thấp nhất so với cùng kỳ 5 năm qua. Cụ thể, có 18 tác phẩm điện ảnh trong nước được phát hành vào nửa đầu năm 2019; cùng kỳ năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rạp chiếu bị đóng cửa nhiều lần nên chỉ có 11 phim được phát hành.

Đến nửa đầu năm 2022, có tới 24 phim được trình chiếu, được xem là thời điểm bùng nổ của phim Việt bởi rất nhiều dự án bị hoãn trước đó đồng loạt ra mắt. Một số báo dẫn lời ông Nguyễn Khánh Dương, sáng lập Box Office Vietnam: "Rõ ràng là mùa hè 2023 đã không có phim Việt nào chiếu rạp, như một dấu lặng buồn của điện ảnh trong nước. Khoảng 2 - 3 tháng tới không thấy phim Việt nào có kế hoạch phát hành. Như vậy, năm nay, số lượng phim Việt ra rạp ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, còn thấp hơn cả giai đoạn đại dịch hoành hành".

Việc phim Việt vắng bóng hoàn toàn trong mùa hè này còn cho thấy tâm lý “né” phim ngoại của các nhà làm phim bởi mùa hè luôn là mùa của những phim bom tấn. Hệ quả là mùa hè năm nay, các rạp chiếu Việt đã hoàn toàn là “của riêng” các bom tấn ngoại như “Fast & Furious”, “Doraemon”, “Vệ binh dải ngân hà”, “Spider-Man”, “Transformers”...

Thiếu ổn định

Cùng với việc trồi sụt về số lượng phim, điện ảnh Việt còn chứng kiến biên độ quá xa về doanh thu giữa các bộ phim. Nửa đầu 2023, điện ảnh Việt vượt mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng với hai đại diện đình đám là “Nhà bà Nữ” và “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh” khiến cho dư luận hết sức phấn khởi. Tuy nhiên, cũng thời điểm đó lại có những bộ phim thảm bại về doanh thu. Phim “Khi ta hai lăm” do Luk Vân đạo diễn, chiếu rạp hồi đầu tháng 3 năm nay chỉ thu gần 3 tỷ đồng. Phim “Biệt đội rất ổn” của đạo diễn Tạ Nguyên Hiệp cũng rời rạp chiếu với doanh thu chỉ khoảng 10 tỷ đồng...

Ông Martino Cipriani, giảng viên ngành Sản xuất phim kỹ thuật số, khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT đánh giá: “Ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam đương đại đang phát triển nhanh chóng nhưng không theo quy củ. Dù có những đơn vị sản xuất phim tốt, nhiều ý tưởng sáng tạo và những bộ phim xuất sắc, nhưng xét về tổng thể thì ngành không mạnh”. Và, những gì đang diễn ra trên thị trường cũng cho thấy một nền điện ảnh thiếu ổn định về nhiều mặt - cả về số lượng phim, chất lượng phim, doanh thu..., thậm chí đến kế hoạch phát hành phim cũng rất “tùy hứng”.

Một trong những mục tiêu được đề ra khi triển khai thực hiện Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2030 là phát triển điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế. Đặc biệt, từng bước phấn đấu xây dựng điện ảnh Việt Nam trở thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn... Tuy nhiên, sự thiếu ổn định của ngành Điện ảnh hiện nay cũng cho thấy những vấn đề bên trong như chất lượng nguồn nhân lực chưa đồng đều dẫn đến chất lượng phim có biên độ chênh quá lớn, thị trường phim hoàn toàn thuộc về các nhà làm phim tư nhân nên không có sự điều tiết, kế hoạch phát hành ổn định... Nếu không có những giải pháp căn cơ để giải quyết những vấn đề trên, chúng ta sẽ khó có được một nền điện ảnh đủ mạnh để hiện thực hóa mục tiêu công nghiệp hóa lĩnh vực điện ảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Dấu lặng buồn” của điện ảnh Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.