(HNM) - Nhân viên chào hỏi niềm nở; siêu thị đưa khách tới tham quan tận nơi mô hình trồng rau sạch; thành phố xuất hiện những cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn được gắn biển nhận diện..., đó là vài chuyển động thiết thực dễ quan sát được, cho thấy bước phát triển theo hướng văn minh, hiện đại của hệ thống thương mại ở Thủ đô.
Quả vậy, không thể phủ nhận sự phát triển mạnh của hệ thống này hiện nay với 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ và hơn 700 cửa hàng tiện lợi. Nhất là khi so với 10 năm trước, Thủ đô chỉ có 10 trung tâm thương mại, chừng 78 siêu thị… Người dân cũng đã quen dần với việc mua hàng theo nếp văn minh, tức là biết rõ nguồn gốc hàng hóa, nhận hóa đơn, chọn lựa nhà cung cấp có uy tín, tìm tới các hội chợ giới thiệu sản phẩm chất lượng.
Tuy nhiên, nói đến hệ thống thương mại không chỉ có chuyện phát triển hạ tầng, mà còn những yếu tố quan trọng khác như nguồn hàng bảo đảm và đặc biệt phương thức vận hành, quản lý sao cho hiệu quả. Vậy nên, mới có chuyện, bên cạnh những mô hình “sống tốt, sống khỏe”, hệ thống thương mại của Hà Nội phải chứng kiến không ít đổ vỡ, thất bại của nhiều trung tâm thương mại hoặc chợ kết hợp trung tâm thương mại. Trong đó, nguyên nhân chung nhất được người trong cuộc cũng như các chuyên gia chỉ rõ chính là sự thiếu tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở có quy hoạch rõ ràng.
Tất nhiên, hệ thống thương mại của thành phố chưa phát huy hết hiệu quả hoạt động xứng với tiềm năng là còn bởi cả những lý do khách quan như thiếu quỹ đất, khó làm lớn, làm bài bản. Đặc biệt, Hà Nội vốn là nơi giao thương mạnh mẽ với phương thức chợ truyền thống và nếp buôn bán nặng về uy tín cá nhân. Người dân giữ thói quen mở cửa ra ngõ, dựng xe vỉa hè là có thể mua hàng… Trong khi đó, sự biến động cũng như phát triển của xã hội đang đặt ra rất nhiều vấn đề liên quan an toàn thực phẩm, cung ứng theo chuỗi, thương mại toàn cầu, đòi hỏi cả nếp mua bán, tiêu dùng của người dân cũng phải thay đổi.
Như vậy, thực tế đặt ra yêu cầu hệ thống thương mại của Thủ đô phải vừa nâng hiệu quả hoạt động trên cơ sở hạ tầng đang có, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân lại vừa phải phát triển các trung tâm lớn, hiện đại mang tầm khu vực, thế giới như Quy hoạch mạng lưới bán buôn bán lẻ trên địa bàn thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 đã đặt ra.
Vì vậy, đầu tiên là phải huy động nhiều nguồn lực tham gia trên cơ sở hài hòa lợi ích các bên. Đặc biệt, mỗi mô hình thương mại ra đời phải trên cơ sở nghiên cứu kỹ về quy hoạch, thị trường. Các chợ, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại đã có rất cần được quản lý theo hướng văn minh, hiện đại để gia tăng hiệu quả hoạt động. Trong đó, có những vấn đề tưởng rất nhỏ nhưng có thể mang lại những thay đổi lớn như tính chuyên nghiệp của người bán hàng; việc sắp xếp, đa dạng hóa sản phẩm nhằm phục vụ nhu cầu của khách…
Các chính sách của thành phố nhằm thu hút, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng thương mại cũng vô cùng cần thiết. Nhưng quan trọng không kém chính là sự vận động nội tại của hệ thống thương mại thành phố, đặc biệt là trong việc chủ động học hỏi phương thức quản lý, vận hành hiện đại, văn minh của các nhà quản trị kinh doanh trong và ngoài nước có kinh nghiệm.
Khi chợ, cửa hàng, siêu thị, trung tâm thương mại thực sự tiện lợi, uy tín thì cơ sở thực tiễn cũng tăng hơn để từng bước "ép" chợ cóc, chợ tạm với nguồn thực phẩm khó kiểm soát về xuất xứ thu hẹp dần sự tồn tại hiện nay. Đi đối với đó là tăng cường các hoạt động quản lý thị trường, chấn chỉnh trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông để hình thành nếp giao thương văn minh của người Hà Nội. Khi ấy, cả tiểu thương, doanh nghiệp và cộng đồng người tiêu dùng sẽ cùng được hưởng lợi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.