(HNM) - Tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo là công việc quan trọng, thể hiện việc Nhà nước coi trọng quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân... Chính vì thế, thời gian qua, việc chấp hành pháp luật trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc thực hiện các kết luận thanh tra trên địa bàn thành phố Hà Nội luôn được chú trọng, đạt kết quả tích cực.
Năm 2021, dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài, nhưng với hơn 1.000 đơn, thư mà Thanh tra thành phố tiếp nhận từ tháng 1-2020 đến nay, hiện 83% các vụ việc khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền cấp thành phố đã được xử lý. Bên cạnh đó, các cấp, các cơ quan, đơn vị đều bố trí cán bộ là những người vững nghiệp vụ, có kiến thức, kỹ năng trong tiếp công dân... Việc phân loại đơn, thư cũng được thực hiện đúng quy định, nên đã hạn chế đơn, thư vượt cấp, khiếu kiện đông người...
Thực tế này cũng phù hợp với đánh giá của Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội khi giám sát việc chấp hành pháp luật lĩnh vực này trong khoảng thời gian từ tháng 1-2020 đến tháng 10-2021. Cũng từ hoạt động giám sát trên, một số bất cập, tồn tại đã được đoàn giám sát chỉ ra. Đó là việc tiếp công dân ở một số nơi chưa hiệu quả; việc giải quyết đơn, thư nhiều khi chưa quyết liệt từ cấp cơ sở, còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh...
Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Vì vậy, những tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ phải tuân thủ quy định pháp luật, thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm khi tiếp công dân, tiếp nhận thông tin phản ánh cũng như đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, việc bố trí nhân sự cho lĩnh vực này cần được chọn lựa kỹ càng, phải là những người am hiểu pháp luật, trách nhiệm, tâm huyết và có kỹ năng giải quyết vấn đề.
Nội dung các đơn, thư thường liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau, vì thế rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Điều này càng khẳng định, việc quản lý, giải quyết đơn thư phải được số hóa, nên có phần mềm riêng để quản lý như đề xuất của Ban Pháp chế HĐND thành phố. Phần mềm này phải bảo đảm sự liên thông giữa các cấp, các ngành để người tiếp công dân và giải quyết biết “đường đi” của đơn thư, tránh việc giải quyết chồng chéo và đơn, thư lòng vòng...
Thực tiễn cho thấy, việc giải quyết đơn, thư và tiếp công dân ở cấp cơ sở là vô cùng quan trọng; nếu biết cách hóa giải thì vấn đề phức tạp sẽ trở nên đơn giản, dễ giải quyết. Do đó, cấp xã, phường phải nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác này; tăng cường tuyên truyền Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đất đai... qua đó giúp người dân hiểu, thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình.
Ở tầm vĩ mô, muốn hạn chế đơn thư, hệ thống pháp luật cũng phải tiếp tục hoàn thiện nhằm triệt tiêu những quy định mâu thuẫn, chồng chéo; quy định phải bám sát thực tiễn nhằm điều chỉnh kịp thời, tránh để người dân phải chịu thiệt thòi... Đặc biệt, quy định về thẩm quyền tiếp công dân, giải quyết đơn thư phải “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”. Đây sẽ là phương thuốc hữu hiệu để đặc trị “bệnh” né tránh, cố tình đùn đẩy việc giải quyết đơn, thư lên cấp trên.
Tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và “thượng tôn pháp luật” trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo sẽ củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước; góp phần ổn định trật tự xã hội, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.