(HNM) - Sau hai ngày họp tại thủ đô Washington, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tiến hành đợt giảm lãi suất thứ ba liên tiếp trong năm nay nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Quyết định này được đưa ra khi nền kinh tế xứ Cờ hoa đang có dấu hiệu giảm tốc độ tăng trưởng.
Theo thông báo của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), lãi suất tham chiếu tại Mỹ hạ 0,25%, từ biên độ 1,75-2% xuống còn khoảng 1,5-1,75%. Đây cũng là lần thứ ba Ngân hàng trung ương Mỹ hạ lãi suất của đồng USD kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bùng phát trong giai đoạn 2007-2008.
Quyết định giảm lãi suất của đồng USD sẽ có tác động lớn tới các khoản lãi suất vay trả góp, lãi thẻ tín dụng và nhiều dạng cho vay khác. Trong 2 lần hạ lãi suất gần đây nhất vào ngày 31-7 và 18-9, ngân hàng này đều đưa ra mức cắt giảm 0,25%.
Trong suốt thời gian qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần kêu gọi Chủ tịch FED Jerome Powell - người được chính ông bổ nhiệm - đưa ra những quyết định hạ lãi suất mạnh tay hơn nữa nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Chỉ vài ngày trước cuộc họp của FED, ông chủ Nhà Trắng đã đưa ra những bình luận chỉ trích cơ quan này “làm quá” trong việc tăng lãi suất, khi có tới 4 lần nâng lãi suất trong năm 2018, trong khi lại phản ứng quá chậm để cắt giảm.
Số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 30-10 cho thấy tăng trưởng quý III-2019 của nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt 1,9%, tốt hơn dự báo 1,6% mà giới phân tích đưa ra trước đó, song vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng 3% mà Tổng thống D.Trump hứa hẹn sau khi lên nắm quyền.
Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch J.Powell và nhiều quan chức của FED chỉ ra rằng nền kinh tế Mỹ vẫn rất mạnh nhờ chi tiêu hộ gia đình ở mức vững chắc, doanh số bán nhà tăng và giá trị tài sản ở mức lành mạnh.
Tuy nhiên, những triển vọng lạc quan vẫn bị đe dọa bởi các yếu tố khác như tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, căng thẳng về thuế quan giữa nước này và Trung Quốc, đầu tư của doanh nghiệp và xuất khẩu còn yếu, cùng những bất ổn khó dự đoán liên quan đến tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Song không phải tất cả quan chức FED đều đồng tình với bước đi mới. Quyết định hạ lãi suất lần này vấp phải sự phản đối của Chủ tịch FED Boston Eric S.Rosengren và Chủ tịch FED Kansas Esther L.George khi cho rằng việc nới lỏng chính sách là không thực sự cần thiết.
Ngay sau khi FED hạ lãi suất, chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm khi kết thúc phiên giao dịch ngày 30-10. Chỉ số S&P 500 đã tăng 0,33% lên 3.046 điểm, là mức cao nhất trong lịch sử. Hai chỉ số chủ chốt khác của phố Wall là DJIA và Nasdaq Composite cũng tăng lần lượt 0,43% và 0,33%.
Sau động thái của FED, giá vàng thế giới cũng tăng mạnh. Trên thị trường châu Á, giá vàng tăng 0,49% trong phiên giao dịch sáng 31-10. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12 giảm 0,12 USD và đứng ở mức 54,93 USD/thùng do phần nào bị tác động bởi quyết định giảm lãi suất của FED, cùng những diễn biến mới trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc. Dù vậy, giới quan sát cho rằng, thông tin FED giảm lãi suất sẽ không tác động quá nhiều tới thị trường toàn cầu trong ngắn hạn bởi các nhà đầu tư đã lường trước xu hướng này.
FED cũng đã phát đi tín hiệu cho thấy sẽ không cắt giảm thêm lãi suất trong tương lai gần, trừ khi nền kinh tế Mỹ có những diễn biến xấu. Quan điểm này mâu thuẫn với yêu cầu của Tổng thống D.Trump, song lại củng cố cho dự đoán về việc nền kinh tế xứ Cờ hoa tiếp tục thời kỳ tăng trưởng kéo dài nhất trong lịch sử.
Được biết, các quan chức FED sẽ có cuộc họp tiếp theo trong 6 tuần tới, vào ngày 10 và 11-12.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.