(HNM) - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, Vietnamobile đã có đơn đề nghị tạm dừng cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Hiện, các đơn vị chức năng của Bộ đang xem xét cơ sở pháp lý về đề nghị này.
Thực tế gần đây, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động theo hình thức liên doanh, được bổ sung thêm vốn, Vietnamobile đã tăng đầu tư cho mạng 3G, một phần mạng 4G, thực hiện các chiến dịch marketing...
Nhưng, với thị trường viễn thông di động, để thiết lập mạng lưới phải cần nguồn kinh phí hàng tỷ USD. Vì vậy, dù đã đầu tư khoảng 1,2 tỷ USD, nhưng Vietnamobile vẫn bị hạn chế vùng phủ sóng - yếu tố kinh doanh sống còn của doanh nghiệp viễn thông.
Điều đó được chứng minh rõ nhất khi nhà mạng này tham gia cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ số theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Sau 7 tháng, hiện Vietnamobile có 67.237 thuê bao muốn rời mạng, chỉ có 4.500 thuê bao muốn chuyển đến; đồng thời là nhà mạng có tỷ lệ chuyển mạng đi thành công thấp nhất (57%), có tỷ lệ khiếu nại liên quan đến việc này nhiều nhất và tỷ lệ giải quyết khiếu nại thấp nhất.
Còn với mạng Gmobile, kể từ năm 2017, thị trường không ghi nhận hoạt động của Gmobile liên quan đến quảng bá gói cước, chương trình khuyến mãi, truyền thông dịch vụ. Trong các báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông không đề cập đến Gmobile.
Một dẫn chứng rõ ràng nhất để thấy, Gmobile không triển khai cung cấp dịch vụ 4G, không tham gia cung cấp chuyển mạng giữ số - vốn là những dịch vụ quan trọng, là xu hướng tất yếu của thị trường viễn thông di động.
Số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho thấy 2 nhà mạng trên có thị phần rất khiêm tốn. Cụ thể, Gmobile hiện có 0,4% thị phần (khoảng 500.000 thuê bao), Vietnamobile giữ 3,6% thị phần (khoảng 4,5 triệu thuê bao). Từ thực tế này cùng sự cạnh tranh quyết liệt của thị trường viễn thông, câu hỏi đặt ra là liệu “cửa có khép” với nhà mạng nhỏ?
Như đã nêu, đề nghị của Vietnamobile đang được cấp có thẩm quyền xem xét. Vấn đề của Gmobile sẽ được cơ quan chủ quản giải quyết.
Song, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ Thông tin và Truyền thông nên có chính sách giữ được sự cân bằng trong hoạt động của các doanh nghiệp, giữa các nhà mạng lớn và nhà mạng nhỏ, tạo sự cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo đảm lợi ích của khách hàng. Có như vậy mới tiếp tục duy trì sự phát triển bền vững cho thị trường viễn thông Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.