Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cử tri đã thể hiện tốt quyền công dân

Hà Phong| 24/05/2016 06:40

(HNM) - Theo cập nhật mới nhất của Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia ngày 23-5, tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu là 66.830.360 cử tri, đạt 98,79%. Với lá phiếu của mình, cử tri đã thể hiện quyền công dân, trực tiếp góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, có hiệu lực, hiệu quả.

Cử tri khu vực bầu cử số 8 phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy hồ hởi thực hiện quyền công dân. Ảnh: Anh Tuấn


Hai tỉnh có tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đạt 99,99%

Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá, ngày 22-5 đã thực sự là "Ngày hội của toàn dân". Khắp nơi, cử tri hân hoan phấn khởi khi cầm lá phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình. Không chỉ ở nội thành, nội thị mà khắp các xã, phường, thôn bản, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các điểm bỏ phiếu đều được trang hoàng trang trọng, thu hút đông đảo cử tri tham gia. Các số liệu cập nhật mới nhất trong ngày 23-5 cho thấy, 47/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu đạt từ 99% trở lên. Trong đó, 2 tỉnh có 99,99% cử tri đi bỏ phiếu là Thừa Thiên - Huế và Yên Bái. Các tỉnh: Hòa Bình đạt 99,98%; Quảng Nam và Bến Tre đạt 99,97%; Lai Châu và Vĩnh Long đạt 99,96%; Hậu Giang đạt 99,95%; Lạng Sơn đạt 99,91%; Đắk Lắk đạt 99,9%; Tây Ninh đạt 99,89%; Bắc Kạn đạt 99,88%; Ninh Thuận và Phú Yên đạt 99,8%; Tiền Giang đạt 99,76%; Tuyên Quang đạt 99,74%... Thấp nhất là tỉnh Nam Định với tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 93,45%.

Hầu hết các tổ bầu cử đều tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu đúng giờ quy định. Theo Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc, do cán bộ được tập huấn nắm vững quy định về bầu cử nên chưa có đơn vị vi phạm luật hoặc làm sai quy chế, dẫn tới khiếu kiện, khiếu nại. Việc mở hòm phiếu cũng thực hiện đúng theo luật định. Các ứng cử viên, người được ứng cử viên ủy quyền; cơ quan của ứng cử viên và báo chí được tiếp cận, chứng kiến việc mở hòm phiếu, kiểm phiếu để bảo đảm tính công khai, công bằng của cuộc bầu cử.

Để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp trên địa bàn cả nước, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về lãnh đạo và tổ chức cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Hội đồng Bầu cử quốc gia được thành lập gồm 21 thành viên. Trên cơ sở các ý kiến, kiến nghị của địa phương và một số công dân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia đã ban hành 81 văn bản hướng dẫn, trả lời chi tiết từ những việc nhỏ nhất như kích cỡ con dấu, cho đến công tác nhân sự, kinh phí, cách thức tổ chức, tuyên truyền bầu cử. Ở các cấp, Ủy ban Bầu cử các địa phương, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng cấp cũng tích cực vào cuộc, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức các lần hiệp thương, tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử dân chủ, công khai, minh bạch. Hoàn toàn không có sự phân biệt khoảng cách giữa những người có chức, có quyền với những người không đảm nhiệm chức vụ hoặc người tự ứng cử. Với việc giải quyết khiếu nại tố cáo, các cơ quan chức năng đã xem xét trả lời tất cả đơn thư. Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, đến nay, Hội đồng Bầu cử quốc gia chưa nhận được kiến nghị nào về việc không đồng ý với kết luận trả lời của Ủy ban Bầu cử các tỉnh, thành phố…

Điểm sáng Hà Nội

Tại Hà Nội, với sự vào cuộc quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao của người đứng đầu và hệ thống chính quyền các cấp, mọi quy trình triển khai đều được phân công rõ người, rõ việc. Ủy ban Bầu cử thành phố đã thường xuyên chỉ đạo rà soát tình hình an ninh trật tự nơi địa bàn bầu cử để có hướng giải quyết kịp thời những vấn đề tồn đọng hoặc mới phát sinh. Vì vậy, qua tổng hợp tình hình trong ngày bầu cử, nhiều điểm được đánh giá là phức tạp được tập trung chỉ đạo đều có kết quả rất tốt. Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Phùng Văn Thiệp, tính đến 22h ngày 22-5, tỷ lệ cử tri của Hà Nội đi bầu cử đạt 98,85%.

Kiểm tra công tác bầu cử tại thành phố, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia nhấn mạnh, mỗi cử tri đến điểm bầu cử đều thực hiện đúng các khâu trong quá trình bầu cử với tinh thần trách nhiệm cao. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Hà Nội đã rất chu đáo khi in từng danh sách ứng cử viên ĐBQH, ứng cử viên đại biểu HĐND các cấp và gửi đến nhà dân. Với cách làm này, sau khi nhận được danh sách, cử tri Thủ đô có điều kiện trao đổi, phân tích kỹ về tiểu sử, quá trình công tác của các ứng cử viên, từ đó lựa chọn người xứng đáng nhất để bầu.

Nhìn tổng thể, cử tri cả nước đã thực hiện tốt quyền và trách nhiệm công dân với đất nước. "Đây là kết quả của việc chúng ta đã làm tốt công tác tổ chức cho các ứng cử viên gặp gỡ cử tri để vận động bầu cử, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử, về quyền và trách nhiệm công dân. Qua đó, góp phần làm cho cử tri và nhân dân hiểu rõ về ý nghĩa, vai trò của cuộc bầu cử cũng như vai trò của cử tri với bầu cử" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.

Về băn khoăn của phóng viên về việc tỷ lệ cử tri bầu cử khá cao, nhưng vẫn còn tình trạng một số cử tri đi bầu hộ, bầu thay dù không nhiều, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy nhìn nhận, trường hợp cử tri vì khuyết tật, không thể tự bỏ phiếu thì được nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu. Việc này luật cho phép. "Do đó, có thể thực tế nhìn thấy người nào đó bỏ nhiều phiếu vào hòm phiếu cũng chưa thể khẳng định là người đó bầu hộ, bầu thay" - ông Trần Văn Túy nhấn mạnh. Từng lá phiếu như từng viên gạch, cử tri cả nước cùng góp sức xây dựng bộ máy nhà nước các cấp, bầu ra những người đại diện cho chính mình, đó chính là ĐBQH và đại biểu HĐND. Qua tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử, các ý kiến của cử tri đều gửi gắm, kỳ vọng rất lớn vào Quốc hội khóa XIV, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Mong rằng, những đại biểu được nhân dân tín nhiệm bầu vào cơ quan dân cử các cấp sẽ thực hiện thật tốt lời hứa của mình, xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri...

Ngày 23-5, nhiều hãng tin quốc tế tiếp tục đưa tin đậm nét về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 ở Việt Nam. Trong đó, hãng thông tấn tư nhân lớn nhất của Ấn Độ IANS đưa tin, cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp ở Việt Nam bắt đầu lúc 7h sáng 22-5 tại hơn 91.400 điểm bầu cử trên toàn quốc và kết thúc lúc 19h. Trang tin Strait Times của Singapore cũng đưa đậm tin về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp ở Việt Nam. Dẫn lời ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Việt Nam, trang tin này khẳng định toàn bộ 870 ứng cử viên đều bình đẳng, kể cả những ứng cử viên không phải là đảng viên và các ứng cử viên tự ứng cử. Trong khi đó, Báo Desche Welle của Đức nhận định, Quốc hội khóa mới dự kiến sẽ đưa ra nhiều quyết định quan trọng, trong đó có việc thông qua các thay đổi luật cần thiết cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Quang Huytổng hợp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cử tri đã thể hiện tốt quyền công dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.