(HNM) - Mũ bảo hiểm kém chất lượng, không bảo đảm yêu cầu, từ lâu đã gây không ít bức xúc trong dư luận và ngay với cơ quan chức năng.
Người dân bức xúc một, các cơ quan chức năng thậm chí còn tỏ ra bức xúc mười, với những tuyên bố đầy tinh thần trách nhiệm, thể hiện quyết tâm cao trong việc kiểm tra, xử lý. Độ "nóng" của vấn đề càng được đẩy lên cao khi toàn quốc thực hiện Kế hoạch 69/KH-UBATGTQG của Ủy ban ATGT quốc gia về tổ chức chiến dịch tuyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ không phải là mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy. Tinh thần quyết tâm đã được thể hiện từ trước ngày 1-7, rồi sau đó là những đợt ra quân. Những tưởng mọi sự sẽ được xử lý rốt ráo. Thế nhưng đã gần ba tháng trôi qua, mà câu chuyện xử lý mũ bảo hiểm rởm vẫn còn rất nhiều băn khoăn.
Thực tế là mặc dù các lực lượng chức năng đã ra quân, đã xuống đường kiểm tra, xử lý, nhưng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn vẫn tràn lan trên thị trường, bày bán công khai ngay trên vỉa hè nhiều tuyến phố lớn và vẫn rất dễ bắt gặp trên đầu của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông. Người tiêu dùng có thể mua được những chiếc mũ bảo hiểm chỉ có chức năng… chống mưa nắng, bên vỉa hè, lề đường với giá khoảng vài chục nghìn đồng, dễ như mua mớ rau, con cá. Không thể phủ nhận người tiêu dùng đã và đang tiếp tay cho việc sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng, tuy nhiên, cũng không nên đổ hết lỗi cho người dân. Nếu các cơ quan chức năng làm tròn bổn phận, trách nhiệm, chắc chắn những chiếc mũ không bảo đảm chất lượng sẽ không thể đến tay người tiêu dùng một cách công khai ngay giữa phố. Nhận định này càng có lý khi gần đây, cơ quan chức năng tỉnh An Giang đã bức xúc cho rằng địa phương này không phải nơi để các nhà sản xuất đưa hàng kém chất lượng vào tiêu thụ. Sở dĩ, tỉnh An Giang phải lên tiếng vì địa phương này đã tổ chức nhiều đợt cao điểm kiểm tra mũ bảo hiểm trên địa bàn và lần nào cũng phát hiện sai phạm. Trong đợt kiểm tra gần nhất thì có tới 8/9 mẫu mũ không đạt yêu cầu. Đáng nói là phần lớn các cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm không đạt yêu cầu lại đều ở TP Hồ Chí Minh, trong đó có cả những cơ sở sản xuất có "tên tuổi".
Đáng lo ngại hơn là các mẫu mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng sản xuất tại TP Hồ Chí Minh không chỉ tiêu thụ ở khu vực phía Nam mà còn tràn ra cả… Hà Nội. Thật khó hiểu khi các sản phẩm không đạt chất lượng, tiêu chuẩn sản xuất ngay tại một trong những thành phố lớn nhất nước, lại không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ? Và càng khó hiểu hơn khi những sản phẩm đó có thể "rong ruổi" trên chặng đường dài hàng trăm, thậm chí cả nghìn ki-lô-mét mà không hề bị phát hiện, ngăn chặn. Cũng không khó để hình dung rằng những lô hàng bị các địa phương kiểm tra, phát hiện chỉ là con số rất nhỏ so với số lượng mũ không bảo đảm chất lượng đã qua mắt cơ quan chức năng.
Mua hàng không bảo đảm chất lượng, xảy ra sự cố, người tiêu dùng chịu thiệt đầu tiên. Dẫu vậy, họ vẫn "đáng thương hơn đáng tội". Rõ ràng đáng trách nhất trong câu chuyện mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, không bảo đảm chất lượng tràn lan ngoài đường là các cơ sở sản xuất, các cơ quan chức năng và chính quyền nơi cơ sở sản xuất đứng chân. Chẳng lẽ cứ cho sản xuất, không quản lý, kiểm soát chặt chẽ để nhằm mục đích thu thuế… còn thì phó mặc cho lực lượng chức năng các địa phương khác và người dân gánh chịu hậu quả!? Tình trạng "quýt làm cam chịu" chắc hẳn sẽ còn tiếp tục nếu các cơ quan chức năng còn lối tư duy làm việc "thả gà ra đuổi", thay vì có cách thức tiếp cận, xử lý vấn đề từ gốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.