(HNM) - Hàng loạt cuộc họp khẩn cấp được triệu tập, hàng loạt cảnh báo được đưa ra, hàng loạt mệnh lệnh quân sự được điều động…
Lo ngại về một cuộc đối đầu quân sự giữa các cường quốc tiếp tục được nâng lên một mức mới ngay sau khi Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) chấp thuận đề xuất của Tổng thống Vladimir Putin về việc sử dụng các lực lượng vũ trang của Nga trên lãnh thổ Ukraine. Động thái cứng rắn này cho thấy, Mátxcơva sẽ không chịu lép vế trong ván cờ tranh giành ảnh hưởng tại Ukraine.
Đoàn xe quân sự Nga đang hướng tới bán đảo Crimea. |
Nhiều nguồn tin cho biết, ngày 2-3, 2 tàu ngầm thuộc Hạm đội Baltic của Nga đã xuất hiện tại một vịnh ở Sevastopol, nơi Mátxcơva đặt một căn cứ của Hạm đội Biển Đen. Theo xác nhận của Thượng nghị sĩ Nga Igor Moroz, tàu chỉ huy của Hải quân Ukraine - khu trục hạm Hetman Sahaidachny đã quay sang phía Nga. Cờ thánh St.Andrew's của Hải quân Nga đã được thượng trên tàu. Thủy thủ đoàn của tàu đang trên đường trở về Biển Đen để hợp tác với Nga sau cuộc tập trận tại Địa Trung Hải.
Trước tình hình căng thẳng ngày càng leo thang, đảng Svoboda theo đường lối dân tộc chủ nghĩa và nhóm cực hữu Pravy Sektor - những lực lượng đóng vai trò then chốt trong các cuộc biểu tình gần đây làm rung chuyển Ukraine - đã kêu gọi một cuộc "tổng động viên". Toàn bộ quân đội Ukraine ngày 2-3 đã đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc (LHQ) cũng đã kêu gọi Hội đồng Bảo an triệu tập phiên họp khẩn cấp vào ngày 2-3 để tìm giải pháp tháo gỡ tình hình. Phiên họp được chia thành hai phần: họp công khai và họp kín. Tại cuộc họp công khai, nhiều nước đứng đầu là Mỹ đã đề xuất LHQ tổ chức phái bộ trung gian hỗ trợ giải quyết khủng hoảng, đồng thời cử các quan sát viên đến Ukraine. Trong khi đó, Nga cho rằng các bên phải quay trở lại với các thỏa thuận ký ngày 21-2 giữa Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych và đại diện phe đối lập trước sự chứng kiến của các đặc phái viên Liên minh Châu Âu (EU).
Tình hình trở nên gấp gáp hơn khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 2-3 đã lên tiếng cảnh báo sẽ có hành động "trừng phạt về chính trị và kinh tế" nếu Nga can thiệp quân sự vào Ukraine. Lời tuyên bố cứng rắn được đưa ra trong cuộc điện đàm kéo dài 90 phút giữa Tổng thống Mỹ B.Obama với người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Theo đó, người đứng đầu Nhà Trắng kêu gọi ông chủ điện Kremlin rút binh sĩ Nga về căn cứ quân sự của nước này ở bán đảo Crimea. Giới phân tích cho rằng đây là cuộc điện đàm có tính chất đối kháng đầu tiên giữa hai nguyên thủ Nga - Mỹ kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh.
Phản ứng trước thái độ của Washington, Hạ viện Nga (Duma) yêu cầu Tổng thống Vladimir Putin triệu hồi Đại sứ Nga tại Mỹ về nước. Nhà lãnh đạo Nga cũng đã bác lời kêu gọi rút quân của phương Tây khi khẳng định Mátxcơva có quyền bảo vệ những lợi ích của nước này cũng như cộng đồng người nói tiếng Nga ở Crimea và các khu vực khác thuộc Ukraine. Theo quan điểm của Nga, những động thái can thiệp của phương Tây vào các vấn đề nội bộ của Ukraine chỉ nhằm mục đích ngăn cản dự án thành lập một Cộng đồng kinh tế Á - Âu của Nga mà hạt nhân là Ukraine, qua đó kiềm chế sự gia tăng ảnh hưởng của Mátxcơva tại các khu vực từng thuộc lãnh thổ Liên Xô cũ. Mới đây, nhiều bài viết trên báo Nga đã đề cập đến những kế hoạch được cho là phương Tây đã đề ra để lôi kéo Ukraine vào quỹ đạo của mình. Theo đó, kế hoạch A sẽ đưa một chính phủ không thân Nga lên nắm quyền như là một đối trọng với Mátxcơva và bảo đảm cho Ukraine gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Cuộc đảo chính trực tiếp đối với Tổng thống V.Yanukovych là cách để thay thế vị trí lãnh đạo trong các cơ quan tình báo và lực lượng vũ trang Ukraine, tái định hướng họ theo tư tưởng "Tây tiến". Kế hoạch B: Chính quyền tương lai của Ukraine sẽ trở thành quốc gia "vùng đệm" giữa Nga và phương Tây, có quan hệ đối tác với Nga. Kế hoạch C là kịch bản Nam Tư cho Ukraine, thiết lập các ranh giới về ngôn ngữ theo chủng tộc (Nga/Ukraine), cơ sở tôn giáo (Công giáo/Chính thống giáo) để kích động xung đột và bất ổn.
Một trong những lý do nữa khiến điện Kremlin đưa ra quyết định "động binh" là việc phe đối lập Ukraine không tuân theo thỏa thuận được ký kết ngày 21-2 dưới sự chứng kiến của đại diện các bên trong đó có cả EU và Nga. Hành động "phế truất" Tổng thống thân Nga V.Yanukovych ngay khi các chữ ký còn chưa ráo mực có thể được xem như một cú "trở mặt" khiến Mátxcơva không khỏi "nóng mắt". Vì thế, phản ứng của điện Kremlin được cho là không nằm ngoài mục tiêu bảo vệ vị thế của xứ sở Bạch dương tại khu vực và trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, chiến lược an ninh ở sườn phía Tây nam của Nga cũng sẽ chịu những tác động khó lường nếu bộ máy cầm quyền ở Ukraine là những nhân vật chống Mátxcơva.
Tóm lại, sự giằng co lợi ích của các bên đang khiến bán đảo Crimea nóng lên từng ngày.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.