(HNM) - Đó là chuyến công du châu Âu của Tổng thống Pakistan Asif Ali Zadari vừa kết thúc vào cuối tuần qua. Chuyến thăm hòa giải của người đứng đầu quốc gia Nam Á diễn ra ngay sau những căng thẳng ngoại giao giữa Anh và Pakistan bùng nổ và đúng vào lúc người dân trong nước đang hứng chịu trận mưa lũ thế kỷ khiến cả thế giới quan tâm.
Người dân Pakistan phản đối chuyến công du châu Âu của Tổng thống A.Zadari trong khi lũ lụt gây thiệt hại nặng nề tại vùng Tây bắc nước này. |
Hai chặng dừng chân là Pháp (ngày 2, 3-8) và Anh (từ 3 đến 6-8) của ông A.Zadari đúng vào thời điểm "tế nhị" khi vụ rò rỉ tài liệu mật của cơ quan tình báo quân sự Mỹ về cuộc chiến Afghanistan trên mạng Wikileaks đang đốt nóng dư luận Mỹ và các quốc gia gửi binh sĩ hỗ trợ chiến trường này. Theo các tài liệu được "giải mật", Cơ quan Tình báo (ISI) Pakistan đã ngầm hậu thuẫn lực lượng nổi dậy ở Afghanistan. Nhà chức trách Pakistan đã bác bỏ tính xác thực của những thông tin này. Đây chính là nguyên nhân khiến quan hệ Anh và Pakistan rơi vào tình trạng căng thẳng. Thủ tướng Anh, trong chuyến thăm Ấn Độ mới đây đã tuyên bố Pakistan chưa nỗ lực đầy đủ chống khủng bố và chỉ trích một số thành viên trong giới chức Islamabad khuyến khích "xuất khẩu khủng bố"... Đáp lại, Hội đồng Lập pháp tỉnh North West Frontier (Pakistan) đã thông qua nghị quyết kêu gọi Chính phủ Pakistan hãy cắt đứt mọi quan hệ với Anh…
Tuy nhiên, trong cuộc hội đàm tại nhà nghỉ cuối tuần của Thủ tướng Anh David Cameron ở ngoại ô London (ngày 6-8), hai bên đã bỏ qua những bất đồng vừa ló dạng để đi đến nhất trí tăng cường hợp tác song phương trong cuộc chiến chống khủng bố. Phát biểu sau hội đàm, hai nhà lãnh đạo đều khẳng định mối quan hệ giữa Anh và Pakistan là "không thể phá vỡ". Tổng thống Pakistan còn nhấn mạnh, "đây là mối quan hệ hữu nghị không bao giờ đổ vỡ, dù xảy ra bất cứ điều gì", Pakistan và Anh sẽ sát cánh cùng nhau đối phó mọi khó khăn…
Thủ tướng D.Cameron cam kết, London khẳng định tăng cường quan hệ với Pakistan trong lĩnh vực sống còn là chống khủng bố và hai bên nhất trí hội đàm thượng đỉnh song phương hằng năm để tăng cường các mối quan hệ giữa hai nước. Dư luận cho rằng, căng thẳng giữa hai đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố tại Nam Á đã sớm được hóa giải. Đây là thành công đối ngoại lớn nhất mà người đứng đầu Islamabad có được sau chuyến đi được cho là đầy sóng gió này. Người đứng đầu nội các xứ Sương mù cũng đã nhận lời mời sẽ sớm thăm Pakistan. Ngoại trưởng hai bên dự định gặp nhau vào tháng 10 năm tới và Bộ trưởng Nội vụ Anh sẽ thăm Pakistan trong vài tháng tới…
Sẽ là tuyệt vời cho chuyến công du châu Âu của ông A.Zadari với kết quả vừa có được nếu như người dân Pakistan không phải oằn mình chống chọi với đợt lũ lụt dữ dội nhất trong 80 năm qua tại đất nước này.
Đến nay, lũ lụt đã ảnh hưởng tới 15 triệu người, làm 1.500 người thiệt mạng, chủ yếu ở khu vực Tây bắc. Lũ lụt còn phá hỏng mùa màng, Chương trình Lương thực Liên hợp quốc (WFP) cảnh báo nguy cơ khoảng 1,8 triệu người Pakistan sẽ thiếu lương thực nghiêm trọng trong tháng tới. Các nhân viên cứu hộ dự báo mực nước rất cao của các con sông ở miền Nam sẽ sớm tràn bờ, gây nhiều điểm lụt lội mới tại các tỉnh Sindh, khu vực Kashmir thuộc Pakistan và Baluchistan. Quân đội đã huy động máy bay trực thăng và xuồng cứu hộ để sơ tán người dân lên các vùng cao hơn. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon đã phải cử đặc phái viên Jean Maurice Ripert tới Pakistan nhằm hỗ trợ các nỗ lực cứu giúp người dân vùng bị ảnh hưởng...
Trong bối cảnh ấy, chuyến thăm châu Âu của ông A.Zadari, cùng sự ra mắt của con cái ông tại châu Âu, đã vấp phải sự chỉ trích dữ dội của dân chúng ở Pakistan. Imran Khan, chính trị gia của phe đối lập nhấn mạnh, đây là thời điểm mà Tổng thống phải ở nhà chăm lo cho nhân dân của mình thay vì tham gia vào một chuyến đi xa hoa đến Anh và còn dạo qua Pháp. Chính trị gia phe đối lập này nêu rõ, bất cứ cuộc đàm phán nào cũng có thể được trì hoãn, ưu tiên lớn nhất phải dành cho nhân dân. Số tiền cho chuyến đi đã có thể được dùng để trợ giúp các nạn nhân… Tuy nhiên, để lại phía sau cả một vùng mưa lũ, Tổng thống Zadari vẫn lên đường với mục tiêu làm rõ thông tin được trang web Wikileaks "giải mật" cho rằng ISI của Pakistan đã hợp tác với phiến quân Taliban ở Afghanistan cũng như khẳng định cam kết với châu Âu và gián tiếp với Mỹ về quyết tâm của Pakistan trong cuộc chiến chống khủng bố.
Xem ra ông A.Zadari đã gỡ bỏ được "hòn đá tảng" đè nặng trong quan hệ đồng minh Pakistan - Anh. Nhưng sau chuyến thăm trong mưa lũ, cái giá ông A.Zadari phải trả là không nhỏ trong quan hệ đối nội. Đây hẳn là khó khăn mới trong chặng đường phía trước của người chèo lái con thuyền Pakistan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.