Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cộng đồng quốc tế phối hợp với Việt Nam chống biến đổi khí hậu

Quỳnh Dương| 25/10/2016 15:35

(HNMO) – Ngày 25-10, “Diễn đàn Đối thoại chính sách cấp cao giữa Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu và các đối tác phát triển” đã diễn ra tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trong buổi gặp mặt song phương với các đối tác phát triển trước giờ khai mạc diễn đàn


Diễn đàn do Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu chủ trì.

Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, cùng với nỗ lực hoàn thiện các thủ tục pháp lý để phê duyệt Thoả thuận Paris trong năm 2016, Việt Nam cũng đã tích cực xây dựng Kế hoạch đến 2030 nhằm thực hiện Thoả thuận Paris tại Việt Nam. Để triển khai thực hiện kế hoạch, bên cạnh nỗ lực của Việt Nam, rất cần có sự ủng hỗ, giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Diễn đàn đối thoại lần này nhằm trao đổi giữa các thành viên Uỷ ban quốc gia về biến đổi khí hậu với các đối tác phát triển về những nỗ lực của Việt Nam để thực hiện Thoả thuận Paris trên cơ sở những thông tin khoa học mới nhất về tác động của biến đổi khí hậu đến Việt Nam.

Các nghiên cứu mới nhất đã chỉ ra, biến đổi khí hậu đã diễn ra nhanh hơn so với các dự báo trước đây. Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các yêu cầu do Thoả thuận Paris quy định. Kế hoạch thực hiện Thoả thuận Paris tại Việt Nam đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp có tính hệ thống về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường nguồn lực, minh bạch trong các hoạt động ứng phó và hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu và tăng cường quản lý nhà nước về biến đổi khí hậu.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết: Đây là Diễn đàn rất quan trọng để Uỷ Ban quốc gia về biến đổi khí hậu Việt Nam và các đối tác phát triển cùng trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, cập nhật các kết quả nghiên cứu khoa học về biến đổi khí hậu và những tác động của biến đổi khí hậu tới Việt Nam.

“Tại diễn đàn này, chúng ta cũng sẽ cùng nhau xác định các vấn đề còn thiếu hụt trong các cơ chế, chính sách, chương trình hành động của Việt Nam và khả năng hỗ trợ của các đối tác quốc tế để Việt Nam ứng phó có hiệu quả với tác động của biến đổi khí hậu, thực hiện Thỏa thuận Paris và các cam kết khác tại COP21” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Về thực hiện Thỏa thuận Paris và các cam kết khác tại COP21, Phó Thủ tướng cho biết: Việt Nam cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 sẽ giảm 8% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường bằng các nguồn lực trong nước và có thể tăng lên thành 25% khi nhận được hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới trong Thỏa thuận khí hậu toàn cầu. Về thích ứng với biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu nhằm tăng khả năng chống chịu, bảo vệ cuộc sống và sinh kế cho người dân, tạo điều kiện để có đóng góp lớn hơn trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Ông Martin Hoppe, Tham tán Phát triển, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam triển khai ngay việc xây dựng kế hoạch thực hiện Hiệp định Paris thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong trận chiến đối phó với biến đổi khí hậu ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu. Việt Nam cũng giữ vai trò “đầu tàu” trong khu vực.

Chính phủ Đức cũng rất vui mừng khi Chính phủ Việt Nam sẽ giữ vai trò này ở cấp độ quốc tế, và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với các nước khác trong khuôn khổ đối tác đóng góp do quốc gia tự quyết định. Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực thực hiện nhiệm vụ quan trọng triển khai Hiệp định Paris cũng như Đóng góp do quốc gia tự quyết định. Trong năm 2016, Đức cam kết hỗ trợ Việt Nam 18 triệu euro thông qua dự án đang triển khai và các dự án mới trong khuôn khổ Sáng kiến Quốc tế về khí hậu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cộng đồng quốc tế phối hợp với Việt Nam chống biến đổi khí hậu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.