(HNM) - Sau hơn 6 tháng Hà Nội ra quân thực hiện Kế hoạch số 01-KH/BCĐ ngày 3-3-2017 của Ban Chỉ đạo 197 thành phố, tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt đô thị đã có phần khang trang, sạch đẹp.
Vỉa hè, lòng đường phố Nguyễn Siêu (Hoàn Kiếm) bị chiếm dụng để xe máy. |
Nhiều vi phạm
Khảo sát trên địa bàn Hà Nội mấy ngày gần đây của phóng viên Báo Hànộimới cho thấy, sau 6 tháng ra quân lập lại trật tự đô thị, trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông, bên cạnh nhiều tuyến đường, phố, vỉa hè trên địa bàn Thủ đô được duy trì thông thoáng, phong quang, sạch đẹp, vỉa hè thực sự được dành cho người đi bộ, thì vẫn còn không ít tuyến đường, phố ở khu vực nội thành bị chiếm dụng để kinh doanh, trông giữ phương tiện không đúng quy định. Đáng nói, vẫn còn xảy ra tình trạng xe ôm, xe taxi dừng, đỗ sai quy định trước cổng một số bệnh viện, trường học, gây cản trở giao thông.
Tại phố Trần Duy Hưng (Cầu Giấy), rất nhiều điểm kinh doanh (chủ yếu trước cửa nhà hàng ăn uống), tình trạng dựng, đỗ xe máy không đúng nơi quy định, bàn ghế bày trên vỉa hè diễn ra khá nhiều. Dọc phố Đào Tấn (Ba Đình) vào mỗi buổi sáng, những “cửa hàng di động” bán bánh mỳ, bánh khúc, xôi... cũng ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè. Quan sát tại đường Định Công, Đặng Xuân Bảng, phố Đại Từ (Hoàng Mai), nhiều cửa hàng hai bên đường cũng bày hàng hóa kín vỉa hè. Thậm chí, tại khu vực này, các hộ dân còn đổ rác, xả nước thải tràn ra đường gây mất vệ sinh môi trường. Tại đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân), Tố Hữu (Nam Từ Liêm), Giải Phóng (Hoàng Mai)… hàng rong để trên xe thồ hoặc bày bán la liệt dưới vỉa hè vào các buổi trưa, chiều tối hằng ngày gây cản trở giao thông nghiêm trọng. Tại một số tuyến phố cổ, vỉa hè vẫn chưa thuộc về người đi bộ mà bị biến thành nơi kinh doanh của nhiều hộ dân. Cụ thể, tại phố Hàng Mã, Hàng Lược, Ngõ Gạch, Nguyễn Siêu… phần lớn diện tích vỉa hè được các hộ kinh doanh chiếm dụng để bày hàng hóa, dựng xe máy, xe đạp...
Không chỉ các quận nội thành, vi phạm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng còn tái diễn ở nhiều tuyến đường các huyện ngoại thành. Đơn cử, tại phố Lê Lợi, thị trấn Vân Đình (Ứng Hòa); phố Đại Đồng, thị trấn Đại Nghĩa (Mỹ Đức), hay như phố Vác, xã Dân Hòa (Thanh Oai)… chỉ sau một thời gian ngắn, đến nay "đâu lại vào đó". Các hộ dân sống hai bên đường tiếp tục dựng bảng quảng cáo, đỗ xe, bày hàng hóa ra vỉa hè, thậm chí tràn xuống cả lòng đường…
Cần giải pháp quyết liệt
Trao đổi với phóng viên, Đại úy Nguyễn Minh Hiếu, Phó Trưởng Công an phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm) thừa nhận tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè đang “trở lại”. Trong chiến dịch thiết lập lại trật tự vỉa hè, Hàng Mã là phường tiên phong và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, do phường chỉ có 4 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát trật tự nên "không đủ lực" để tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Hơn nữa, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với các lỗi còn thấp, chưa đủ sức răn đe, vì lợi nhuận nên các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng. Còn theo Thượng tá Đỗ Hồng Minh, Phó Trưởng Công an quận Đống Đa, hiện trên địa bàn quận vẫn tái diễn vi phạm trật tự công cộng ở một số tuyến đường, phố. Nguyên nhân là một số biển báo giao thông, biển chỉ dẫn, sơn kẻ vạch đường ở một số nơi chưa phù hợp; thiếu điểm trông giữ xe, điểm kinh doanh cố định cho người dân...
Vi phạm trật tự đô thị, trật tự công cộng tái diễn đang là nỗi trăn trở của các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đã được các địa phương “mổ xẻ”, song điều cốt lõi vẫn là ý thức chấp hành quy định pháp luật về trật tự đô thị, trật tự công cộng, trật tự an toàn giao thông của người dân còn hạn chế; không ít chủ thể cố tình vi phạm dù đã được lực lượng chức năng nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, xử lý vi phạm. Ngoài ra, lực lượng tham gia duy trì kiểm tra, xử lý vi phạm ở các xã, phường, thị trấn mỏng; chế tài xử phạt vi phạm hành chính thấp; một số địa phương chưa kiểm tra thường xuyên, thiếu quyết liệt trong xử lý...
Để giải quyết dứt điểm vi phạm lòng đường, vỉa hè, không còn “đầu voi, đuôi chuột”, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, các cấp, các ngành cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng. Ngoài ra, cần khen thưởng những tập thể, cá nhân thực hiện tốt công tác duy trì trật tự đô thị, đồng thời nghiêm khắc phê bình, nhắc nhở, quy trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị khi để tái diễn vi phạm nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.