Theo dõi Báo Hànộimới trên

Còn nhiều việc phải làm

Thế Đan| 06/02/2017 06:13

(HNM) - Không chỉ đến khi sản lượng xuất khẩu gạo năm 2016 của nước ta không đạt mục tiêu người ta mới nhắc đến những bất cập của ngành lúa gạo...

Đó là việc chạy theo năng suất bằng mọi giá nên chất lượng gạo thành phẩm không cao. Vì chạy theo năng suất nên giá thành cũng cao tương ứng do phải sử dụng nhiều phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ hóa chất, khuyến khích sản xuất lúa vụ ba… Hình thức canh tác trên mang lại hiệu quả kinh tế tức thì, nhưng nếu kéo dài sẽ dẫn tới sự suy thoái đất và biến đổi khí hậu khiến hạn mặn thâm nhập sâu vào vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã càng làm cho câu chuyện trở nên trầm trọng hơn. Đó là chưa kể vấn đề cảng - vận tải biển của ta có chi phí cao hơn nên giá gạo xuất khẩu tại cảng (FOB) phải rẻ hơn. Do đó, năng suất lúa càng cao giá thành cũng tăng cao nhưng giá bán luôn ngược lại và nghịch lý: Làm lúa mãi mà không giàu là vậy!

Tiếp đến là việc có quá nhiều bộ giống lúa trong sản xuất dẫn đến việc thành phẩm gạo thiếu ổn định. Trong khi đó, nguồn giống lúa lai của nước ta phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, do khoa học - kỹ thuật giống trong nước không được đầu tư tương xứng nên nhanh thoái hóa. Một bất lợi nữa được đề cập trong nhiều năm, đó là việc nước ta chưa xây dựng được thương hiệu gạo xuất khẩu của riêng mình, chủ yếu chỉ là “gạo trắng Việt Nam”. Trong khi đó, những “đối thủ” của chúng ta đã tiến khá xa: Thái Lan có thương hiệu gạo toàn cầu là Thai Hom Mali; Ấn Độ có gạo Bastima; Campuchia với thương hiệu gạo Phka Rumdoul… Nhờ có thương hiệu và chất lượng tốt, các nước này có lợi thế cạnh tranh về gạo xuất khẩu hơn hẳn Việt Nam.

Muốn có gạo thương hiệu phải có tiền đề: Giống (di truyền hoặc lai tạo - có bản quyền); đất, nước và khí hậu ở vùng thích hợp gieo trồng; công thức chế biến, pha trộn tạo ra thương hiệu riêng. Ngoài ra, phong cách làm ăn của nhà cung cấp cũng góp thêm niềm tin trong thương hiệu sản phẩm, hoặc chỉ riêng chất lượng dịch vụ cũng tạo được thương hiệu riêng cho sản phẩm - doanh nghiệp. Như vậy, có thương hiệu hàng hóa hay không là do Nhà nước và doanh nghiệp quyết định chứ không phải do nông dân hay nhà khoa học. Rất tiếc những điều này đã và đang còn là điểm yếu của ngành lúa gạo Việt Nam.

Quá trình hội nhập đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành lúa gạo nước ta khi còn khá nhiều hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ lẻ; tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị còn yếu; mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu chưa cao, chủ yếu là công đoạn sản xuất, giá trị gia tăng thấp. Các nước có tiềm năng lớn về trồng lúa nước như Ấn Độ, Bangladesh, Campuchia, Myanmar cũng bắt đầu cạnh tranh với ta. Như vậy, người ăn gạo “giá rẻ” có xu hướng giảm và diện tích canh tác lương thực toàn cầu có xu hướng tăng (điển hình là Nga) do hiện tượng ấm lên của thời tiết. Khi thị trường thay đổi, việc sản xuất của nước ta cũng phải thích nghi là chuyện đương nhiên.

Chúng ta có quyền tự hào về việc Việt Nam trở thành một cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đóng góp lớn vào an ninh lương thực, kim ngạch xuất khẩu chung của nền kinh tế. Nhưng để phát triển bền vững, thích nghi với toàn cầu hóa, người dân trở nên giàu có trên những mảnh đất "bờ xôi, ruộng mật" của mình, rõ ràng đã đến lúc phải thay đổi tư duy sản xuất, từ chính người trồng lúa đến các cơ quan quản lý.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Còn nhiều việc phải làm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.