Liên quan đến việc Ấn Độ gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, tại họp báo thường kỳ Bộ Công Thương chiều 23-10, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, khả năng tác động đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam không nhiều.
Ông Trần Thanh Hải thông tin, Ấn Độ là quốc gia có vai trò lớn trên thị trường gạo thế giới.
Bộ Công Thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang theo dõi sát việc nước này bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo.
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cho biết, đến hết tháng 9, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 6,9 triệu tấn, giá trị khoảng 4,3 tỷ USD, tăng 23% về sản lượng và tăng 13,4% về giá so với cùng kì năm 2023.
Với kết quả trên, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu đánh giá, xuất khẩu gạo của Việt Nam khá khả quan. Tuy nhiên, với động thái gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, chắc chắn giá xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng.
Việt Nam đang thực hiện chủ trương đa dạng hoá, chuyển đổi cơ cấu sang các loại gạo chất lượng cao và không bị đụng hàng với các loại gạo xuất khẩu của Ấn Độ, do đó khả năng ảnh hưởng của việc bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ không nhiều.
Về ảnh hưởng của nhập khẩu thép tăng mạnh thời gian qua, tại họp báo, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, sẽ có giải pháp nếu thép nhập khẩu vi phạm.
Theo ông Trung, ngành sản xuất thép cán nóng (HRC) trong nước có tổng công suất khoảng 8,6 triệu tấn/năm, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu với tỷ lệ 50/50.
Trong khi đó, nhu cầu về thép cán nóng của thị trường nội địa khoảng 13 triệu tấn/năm. Do đó, nhập khẩu là nguồn bổ sung cho nhu cầu của thị trường trong nước.
Vừa qua, trên cơ sở hồ sơ yêu cầu của ngành sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đã quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ, Trung Quốc, nhằm đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước.
Trong quy trình điều tra, Bộ sẽ dựa trên các thông tin và dữ liệu do các bên liên quan cung cấp để đánh giá, xác định hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài, cũng như tác động của nhập khẩu đối với ngành sản xuất trong nước.
Ông Trung khẳng định, nếu có đủ bằng chứng sơ bộ để xác định ngành sản xuất trong nước chịu tác động từ hàng nhập khẩu bị bán phá giá, cơ quan điều tra phòng vệ thương mại sẽ kiến nghị Bộ Công Thương xem xét, áp dụng các biện pháp chống bán phá giá tạm thời nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới ngành sản xuất trong nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.