(HNM) - Hôm qua (29-11), Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ) đã khai mạc tại Cancun, Mexico. Hội nghị được kỳ vọng sẽ khắc phục thất bại của Hội nghị Thượng đỉnh Copenhagen (tháng 12-2009) khi chỉ đưa ra được một thỏa thuận không mang tính ràng buộc pháp lý vào phút chót.
Sau thất bại của Hội nghị Thượng đỉnh Copenhagen, LHQ đề ra mục tiêu cho Hội nghị Cancun đang diễn ra là các nước đạt được một thỏa thuận chung với những cam kết giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, thay thế cho Nghị định thư Kyoto sẽ hết hiệu lực vào năm 2012 - văn bản có hiệu lực từ năm 2005 nhằm giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu.
Khí thải CO2 là tác nhân gây biến đổi khí hậu toàn cầu. |
Cho tới nay, cắt giảm khí thải nhà kính đạt được rất ít tiến bộ kể từ Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Copenhagen. Lúc đó, trước nguy cơ thất bại của Hội nghị Copenhagen, một nhóm quốc gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc, đã vội vã thương lượng một thỏa thuận và đề ra mục tiêu là không để nhiệt độ trên Trái đất tăng thêm quá 2°C, nhưng không nói rõ các biện pháp và lịch trình thực hiện. Thỏa thuận Copenhagen dự tính huy động 30 tỷ USD từ năm 2010 đến năm 2012, giúp các nước dễ bị tổn thương nhất đối phó với hiện tượng biến đổi khí hậu và đến năm 2020, khoản tài trợ này sẽ là 100 tỷ USD.
Cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tác nhân làm Trái đất nóng lên gây biến đổi khí hậu, suốt nhiều năm qua trở thành vấn đề gây tranh cãi giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Trong đó, gay gắt nhất là cuộc tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia phát tán khí thải lớn nhất thế giới. Bắc Kinh cho rằng, các nước phát triển, trong đó có Mỹ, phải đi đầu trong nỗ lực cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, vì từ khi tiến hành công nghiệp hóa đến nay các nước công nghiệp phát triển đã thải rất nhiều khí thải CO2 vào bầu khí quyển Trái đất. Trong khi đó, Washington muốn các nước đang phát triển thải nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính, trong đó có Trung Quốc phải có trách nhiệm cắt giảm loại khí này.
Sự kiện Trung Quốc vừa thừa nhận là quốc gia thải nhiều khí CO2 nhất khiến quốc gia đông dân nhất thế giới này được nhìn nhận đang có trách nhiệm hơn cùng cộng đồng quốc tế cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong khi đó, các nước đang phát triển khó có thể đặt lòng tin vào các nước giàu về nguồn tài chính như đã cam kết tại Copenhagen để giúp sớm khắc phục hiệu ứng của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Cho đến nay, thế giới đã có 2 năm để thảo luận, với hàng chục cuộc họp và hội nghị cấp cao, nhưng vẫn tồn tại không ít bất đồng giữa các nước phát triển với các quốc gia đang phát triển để hướng tới một thỏa thuận toàn cầu lớn hơn về biến đổi khí hậu. Đây là nỗi thất vọng lớn của hàng tỉ người dân trên thế giới, đặc biệt là những người nghèo đã, đang và sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Cancun, mới đây, lần đầu tiên một quan chức cấp cao Trung Quốc lên tiếng thừa nhận về việc nước này xả nhiều khí thải nhà kính nhất thế giới, khi kêu gọi Mỹ hợp tác để đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán về khí hậu lần này. Tuyên bố này được dư luận quan tâm và kỳ vọng nhiều vào khả năng các quốc gia phát triển và đang phát triển, đặc biệt là hai cường quốc xả nhiều khí thải nhất thế giới Trung Quốc và Mỹ có thể thu hẹp bất đồng để có bước đột phá mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu tại Hội nghị Thượng đỉnh Cancun năm nay.
Tổ chức ActionAid quốc tế công bố báo cáo về biến đổi khí hậu tại Việt Nam Ngày 29-11, tại Hà Nội, tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu tài nguyên và môi trường (CRES) giới thiệu báo cáo mới nhất về biến đổi khí hậu có tên gọi là "Những tổn thất và thiệt hại - Tác động của biến đổi khí hậu đến người nghèo tại Việt Nam và ứng phó của họ". Nghiên cứu được thực hiện tại huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) và huyện Năm Căn (Cà Mau) từ tháng 7 đến 10-2010. Nghiên cứu cho thấy, những hiện tượng bất thường do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra đã làm tăng thêm chi phí sản xuất, giảm sút năng suất, giảm thu nhập của người dân và làm suy giảm nghề sản xuất muối ở Lộc Hà. Những tác động bất lợi tương tự cũng được ghi nhận đối với nông dân làm nghề nuôi tôm ở Năm Căn. Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam cho biết, báo cáo được coi là tài liệu tham khảo và sử dụng trong các diễn đàn quốc tế nhằm kêu gọi đóng góp tài chính từ các nước phát triển để giúp các quốc gia nghèo khắc phục thiệt hại và tăng cường khả năng ứng phó với BĐKH. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.