(HNM) - Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật cho các vùng trồng rau an toàn trên địa bàn TP Hà Nội đang thiếu đồng bộ, bởi không đủ kinh phí để xây dựng nhà sơ chế, đường điện, giao thông thủy lợi nội đồng.
|
Nông dân xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) vận hành bơm nước tưới cho rau an toàn. Ảnh: Bá Hoạt |
Nhiều lực cản do đầu tư manh mún
Đến nay, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã lập 31 dự án vùng trồng rau an toàn tập trung với tổng diện tích 2.081ha, trong đó có 10 dự án được phê duyệt đầu tư và đang thi công. Toàn thành phố có 8 cơ sở sơ chế rau an toàn gắn với vùng sản xuất tập trung công suất từ 3 đến 7 tấn/ngày; 42 cơ sở sơ chế nhỏ của hợp tác xã, doanh nghiệp với công suất từ 200 đến 1.000kg/ngày.
Tuy vậy, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở các vùng trồng rau an toàn chưa đồng bộ, gây khó khăn cho việc sản xuất. Theo ông Nguyễn Văn Ban, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp Hương Ngải (huyện Thạch Thất): Năm 2012, xã Hương Ngải được thành phố phê duyệt đầu tư cơ sở hạ tầng gồm đường giao thông, nhà sơ chế… cho vùng trồng rau an toàn tập trung 55ha, với kinh phí 21 tỷ đồng, dự kiến đến năm 2018 sẽ hoàn thành các hạng mục, tạo thuận lợi cho người dân sản xuất. Mặc dù vậy, cho đến nay, nhiều hạng mục công trình vẫn chưa được triển khai. Để phục vụ sản xuất, hợp tác xã đã đầu tư 300 triệu đồng đào giếng khoan, kéo đường điện… song không đáp ứng được nhu cầu sản xuất.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn Bắc Hồng (huyện Đông Anh) Nguyễn Văn Hải cho biết: Toàn xã có 20ha trồng rau an toàn, nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư. Để bảo đảm sơ chế số lượng rau từ 3 đến 3,5 tấn, hợp tác xã đầu tư một nhà sơ chế diện tích 70m2 với kinh phí 300 triệu đồng, vậy nhưng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất. Nếu nhà sơ chế có đủ trang thiết bị, khu xử lý trước và sau khi đưa rau vào sơ chế, diện tích rộng phải chi phí từ 3 đến 4 tỷ đồng, với số tiền này hợp tác xã không có khả năng, cần sự hỗ trợ của Nhà nước...
Trong khi đó, tại một số địa phương được đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối đầy đủ, nhưng lại không phát huy được hiệu quả. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám: Khi xây dựng nông thôn mới, xã Thụy Hương được thành phố quy hoạch vùng rau an toàn với diện tích 79,5ha, đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, nhưng do đầu ra không thuận lợi, nên người dân chưa mặn mà với trồng rau an toàn. Vì vậy, toàn bộ nhà sơ chế cùng nhiều hạng mục trạm cấp nước, đường dẫn ống nước bị hỏng, vỡ... do không vận hành. Để không gây lãng phí, huyện Chương Mỹ, xã Thụy Hương đã đồng ý cho doanh nghiệp vào tiếp nhận và sửa chữa, đầu tư lại toàn bộ cơ sở hạ tầng ban đầu.
|
Nhà sơ chế rau an toàn của HTX Nông nghiệp Tiền Lệ (huyện Hoài Đức). Ảnh: Thái Hiền |
Ưu tiên vùng tiềm năng
Qua khảo sát, các vùng trồng rau an toàn trên địa bàn thành phố đều gặp khó khăn trong đầu tư cơ sở hạ tầng vì thiếu vốn, trong khi đó đầu ra không thuận lợi dẫn tới chính quyền địa phương loay hoay trong việc huy động nguồn vốn xã hội hóa. Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Ngọc Hà cho rằng: Để đầu tư đồng bộ cho vùng rau an toàn từ đường điện, giao thông thủy lợi nội đồng đến nhà sơ chế, bảo quản sản phẩm… kinh phí khá lớn, trong khi đó nguồn ngân sách huyện eo hẹp, các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả. Vì vậy, sở, ngành liên quan tham mưu thành phố tiếp tục hỗ trợ cho vùng trồng rau an toàn nằm trong quy hoạch. Tạo điều kiện vay vốn sản xuất rau, nhất là rau an toàn, rau hữu cơ thời gian trung hạn, dài hạn với lãi suất thấp để các hợp tác xã có nguồn vốn quay vòng sản xuất. Huyện Mê Linh tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau an toàn để hình thành mô hình khép kín.
Nhằm khắc phục những bất cập trên, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho rằng: Các địa phương khi lập dự án quy hoạch vùng trồng rau an toàn cần lựa chọn vùng tập trung diện tích lớn và điều kiện thuận lợi để ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng. Một số hợp tác xã tiêu thụ rau an toàn khi đầu tư nhà sơ chế phải phù hợp với quy mô sản xuất và chủng loại sản phẩm. Tùy theo điều kiện của từng vùng, chủng loại rau, thời vụ gieo trồng để đầu tư nhà màng, nhà lưới, mái che kiên cố hoặc bán kiên cố có quy mô phù hợp, không nên đầu tư dàn trải gây lãng phí nguồn ngân sách. Cùng với đó, lựa chọn hạng mục đầu tư hạ tầng kỹ thuật hiệu quả, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng xã hội như: Chợ đầu mối, chợ bán buôn, chợ bán lẻ, bố trí điểm bán hàng, hỗ trợ thuê cửa hàng rau an toàn.
Thời gian tới, trồng rau an toàn là xu hướng tất yếu để bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng trong bối cảnh nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Vì vậy, để người dân có điều kiện thâm canh theo hướng hiện đại nhằm kiểm soát nguồn gốc xuất xứ, cần có những chính sách hỗ trợ hợp lý ngay từ khâu sản xuất đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tập trung xây dựng đường giao thông, điện, hệ thống kênh mương thủy lợi nội đồng và nhà sơ chế...