(HNM) - Trả lời câu hỏi của báo giới về những vấn đề liên quan đến Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhận định: Đối với các ngành kinh tế khác, cạnh tranh cũng có thể xảy ra nhưng ở mức độ không lớn bởi vì các nền kinh tế TPP hiện nay có cơ cấu mặt hàng xuất khẩu mang tính bổ sung hơn là mang tính cạnh tranh với cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công thương, mặc dù Việt Nam có thế mạnh trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp nhưng sức cạnh tranh của chúng ta trong một số ngành nghề chưa thực sự tốt, ví dụ như chăn nuôi. Dự kiến, đây sẽ là ngành gặp nhiều khó khăn nhất khi cam kết TPP có hiệu lực.
Những lo lắng về "một trận cuồng phong" (như cách nói của nhiều người) ập xuống ngành chăn nuôi đang vô cùng yếu ớt là hoàn toàn có cơ sở. Và thực tế không phải đến thời điểm này, những vấn đề của ngành chăn nuôi Việt Nam mới làm "nóng" dư luận. Ngay từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới - WTO (năm 2007) đã có rất nhiều lo lắng về tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp, sản phẩm không đủ sức cạnh tranh... Nhưng đến nay, khi đối mặt với TPP, chăn nuôi nước nhà vẫn phải đối mặt với những thách thức như vậy.
Một số lĩnh vực của chăn nuôi đã trở thành "mảnh đất" màu mỡ cho các nhà đầu tư nước ngoài. 60% sản lượng thức ăn chăn nuôi được sản xuất ở các nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước tiếp tục làm ăn nhỏ lẻ bởi không có đủ nguồn lực để đổi mới công nghệ. Chưa kể lối tư duy tiểu nông, chạy theo lợi ích trước mắt, mạnh ai nấy làm... Vì thiếu ý thức liên kết, thiếu ý thức san sẻ lợi ích nên doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi trong nước buộc phải "ăn đong", giá thành sản phẩm luôn cao hơn doanh nghiệp nước ngoài...
Nói lại những vấn đề liên quan đến sản xuất thức ăn chăn nuôi để thấy đối mặt với TPP là hàng loạt vấn đề từ nhận thức, tư duy đến cung cách làm ăn... Nếu người chăn nuôi không tăng cường liên kết qua các hợp tác xã, nếu không hình thành được những chuỗi sản xuất đủ mạnh, không thể đối mặt với làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài nhằm sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại Việt Nam; không đủ lực để trụ vững trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với những hệ thống bán lẻ hùng mạnh, với những sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu từ nước ngoài...
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, sau khi kết thúc đàm phán, các nước sẽ tiến hành thủ tục rà soát pháp lý, chuẩn bị cho việc ký kết chính thức và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hiệp định. Quá trình này kéo dài tối thiểu 18 tháng. Như vậy, thời gian không còn nhiều cho kỳ vọng giải quyết những "vấn đề" của ngành chăn nuôi hiện nay. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tạo cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi về công tác thú y, kỹ thuật... thông qua Quỹ khuyến nông, gắn họ với những chuỗi liên kết sản xuất.
Ngành chăn nuôi phải đối mặt với nhiều khó khăn khi cam kết TPP có hiệu lực, nhưng chăn nuôi nông hộ vẫn sản xuất ra 60% tổng sản phẩm chăn nuôi của cả nước là một thực tế. Nếu biết liên kết để tạo ra thế mạnh, nếu biết phát triển các phân khúc sản xuất đặc thù và tận dụng các lợi thế thì có lẽ cơ hội sẽ không là thách thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.