Đối ngoại

Đề nghị phê chuẩn việc gia nhập CPTPP của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland

Bảo Hân 08/06/2024 11:04

Sáng 8-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ bảy, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland.

screen-shot-2024-06-08-at-09.37.11.jpg
Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trình bày tờ trình. Ảnh: Media.quochoi.vn

Trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Liên hiệp Vương quốc Anh và và Bắc Ireland, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nêu, ngày 1-2-2021, Vương quốc Anh chính thức gửi đơn xin gia nhập Hiệp định CPTPP. Quá trình đàm phán gia nhập giữa Vương quốc Anh với các nước trong nhóm CPTPP đã được tiến hành. Về cơ bản, đây là đàm phán một chiều, trong đó Vương quốc Anh đã đưa ra nhiều cam kết mở cửa thị trường mới và chấp nhận toàn bộ các cam kết hiện có trong CPTPP.

Ngày 16-6-2023, được sự ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên cùng Bộ trưởng các nước CPTPP và Vương quốc Anh đã ký Văn kiện gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, đưa nước này thành thành viên ký kết thứ 12 của Hiệp định.

Đối với Việt Nam, trong văn kiện gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh đã ký thư gửi Việt Nam xác nhận các ngành đang hoạt động tại Việt Nam được coi là hoạt động trong điều kiện của nền kinh tế thị trường. Trên cơ sở đó, Vương quốc Anh sẽ không áp dụng Điều 14.1(b) trong Quy định Phòng vệ thương mại năm 2019 của nước này đối với hàng nhập khẩu tại Việt Nam.

Căn cứ vào Điều 1 Nghị định thư, khoản 3 Điều 54 Luật Điều ước quốc tế 2016, Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh cần phải được trình Quốc hội phê chuẩn, Chính phủ đề xuất phê chuẩn Văn kiện tại kỳ họp thứ bảy Quốc hội khóa XV để Việt Nam nằm trong nhóm 6 nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư.

Ngoài ra, Chính phủ không có kiến nghị sửa đổi, ban hành mới các văn bản luật để thực hiện Văn kiện. Ở cấp độ dưới luật, dự kiến, Chính phủ cần ban hành Nghị định về biểu thuế mới hoặc văn bản pháp luật mới để hướng dẫn thực thi các cam kết về mua sắm chính phủ và dịch vụ - đầu tư.

ubdn.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Media.quoihoi.vn

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho biết, Ủy ban Đối ngoại nhất trí với nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc phê chuẩn Văn kiện.

Dự thảo Nghị quyết đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 33, đồng thời đảm bảo đầy đủ các nội dung theo quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật Điều ước quốc tế. Văn kiện được thông qua sẽ góp phần nâng cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong hợp tác kinh tế quốc tế.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu đánh giá thêm tác động của việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP đối với Việt Nam, ngoài chính trị, an ninh quốc gia và đối ngoại, còn có những tác động lớn về kinh tế. Việc Vương quốc Anh gia nhập CPTPP sẽ giúp quảng bá và thu hút thêm nhiều nền kinh tế khác gia nhập FTA khu vực này, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho hàng hóa Việt Nam và góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

qh.jpg
Quốc hội thảo luận về đề nghị phê chuẩn văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Ảnh: Media.quochoi.vn

Trong bối cảnh Vương quốc Anh luôn là một trong số thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, những kết quả đàm phán ta đã đạt được sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động trao đổi thương mại - đầu tư của Việt Nam với Anh, đặc biệt tạo điều kiện cho hàng xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường với quy mô kim ngạch nhập khẩu thường niên lớn.

Bên cạnh đó, các thách thức cũng được nhận diện như Vương quốc Anh là một trong những thị trường khó tính nhất trên thế giới đối với tiêu chuẩn hàng hóa lưu hành nội địa.

Việt Nam cũng sẽ cam kết mở cửa thị trường với hàng hóa, dịch vụ cho Vương quốc Anh. Điều này tạo ra sức ép cạnh tranh nhất định cho doanh nghiệp và hàng hóa, dịch vụ của ta. Tuy nhiên, đây là sức ép cạnh tranh lành mạnh, có chọn lọc và theo lộ trình phù hợp. Quan trọng hơn, do cơ cấu kinh tế của Anh và Việt Nam mang tính bổ sung rất cao nên dự kiến sức ép cạnh tranh sẽ không lớn.

Kết luận phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, các ý kiến hoàn toàn nhất trí Quốc hội ra Nghị quyết phê chuẩn Văn kiện ngay tại kỳ họp này. Việc phê chuẩn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.

Phó Chủ tịch Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục rà soát, đánh giá tác động khi Văn kiện có hiệu lực, so sánh lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đã phê chuẩn Văn kiện. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất hoàn thiện các chính sách nhằm giảm tác động rủi ro với các đối tượng chịu tác động trong nước và bảo đảm lợi ích quốc gia của Việt Nam khi Văn kiện có hiệu lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề nghị phê chuẩn việc gia nhập CPTPP của Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.