Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội quảng bá văn học, văn hóa Việt Nam

Hải Giang| 01/03/2015 06:41

(HNM) - Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần III và Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần II sẽ lần lượt khai mạc vào sáng và tối 2-3 tại Hà Nội với sự tham dự của hơn 150 nhà thơ đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.



Dịp này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi có cuộc trò chuyện thú vị với phóng viên Báo Hànộimới quanh hai sự kiện lớn trên.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.


- Thưa nhà thơ, có những điểm mới đáng chú ý nào trong khuôn khổ hai sự kiện văn học quốc tế đáng chú ý trên?

- Điểm mới đầu tiên là Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương (gọi tắt là Liên hoan thơ) có sự mở rộng về khu vực và sự xuất hiện của các nhà thơ tên tuổi, các nhà thơ giữ trọng trách quan trọng trong các tổ chức thơ ca, văn học lớn trên thế giới. Trong đó phải kể đến các nhà thơ Mỹ - những người quảng bá thơ ca Việt Nam đến nước Mỹ trong mấy chục năm qua, góp phần quan trọng trong việc giới thiệu nền văn hóa, con người Việt Nam vào Mỹ. Bên cạnh đó là đại diện Mỹ La tinh - nhà thơ Colombia Fenando Random, Tổng thư ký Liên đoàn thơ thế giới, người dành nhiều tình cảm cho Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên nhà văn Mohamed SaLmawy, Quốc vụ khanh Chính phủ Ai Cập, Tổng thư ký Hội Nhà văn Á - Phi, Chủ tịch Liên đoàn các Hội Nhà văn khối Arab tới tham dự Liên hoan thơ tại Việt Nam.

Nói chung, bên cạnh việc mời các nhà thơ, nhà văn uy tín thế giới, các hoạt động tại Liên hoan thơ và Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam (Hội nghị quảng bá văn học) cũng phong phú hơn, hướng đến nhiều giá trị truyền thống. Trong đó, tại Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần III có 2 hội thảo đáng chú ý là “Văn xuôi Việt Nam quá trình hội nhập và phát triển” và “Thơ Việt Nam nơi lưu giữ tâm hồn Việt”.

- Đây là lần thứ hai chúng ta tổ chức Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương, theo ông còn có điểm gì đáng chú ý trong khâu tổ chức mà chúng ta rút kinh nghiệm từ lần trước?

- Ngoài những điểm mới đã nói ở trên, có một việc quan trọng rút kinh nghiệm từ lần trước là phải có được các tác phẩm để giới thiệu với bạn đọc quốc tế. Cụ thể BTC đã in tập thơ song ngữ Việt Anh “Khát vọng hòa bình” gồm 108 bài thơ của các tác giả Việt Nam về 10 thế kỷ người Việt dựng nước và giữ nước. Tất nhiên, giới thiệu gương mặt thi ca Việt Nam với bạn bè thế giới là một công việc lâu dài. Nhưng qua sự kiện này, trước hết ta phải chỉ ra được một điều đặc biệt quan trọng rằng Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình, yêu thi ca. Việc xuất bản tập thơ trên cũng là cách xác nhận lòng yêu hòa bình, lòng yêu thi ca của dân tộc Việt. Nhà thơ Mỹ Bruce Weigl hiệu đính tập thơ này đã nói ông tin rằng nhiều NXB của Mỹ sẽ muốn xuất bản tập thơ này.

- Là người dự nhiều liên hoan thơ quốc tế, ông tự thấy đâu là những điểm khác biệt lớn giữa liên hoan thơ quốc tế tổ chức ở Việt Nam và các liên hoan thơ quốc tế khác trên thế giới?

- Chúng ta học cách tổ chức hội thảo, tọa đàm, xuất bản ấn phẩm thi ca, đọc thơ trong các liên hoan thơ quốc tế nổi tiếng thế giới. Nhưng ngược lại liên hoan thơ ở Việt Nam cũng có những nét riêng mà bạn bè thế giới cảm thấy thú vị như sự kết hợp của thi ca với các loại hình nghệ thuật khác và đặc biệt là tính chất lễ hội rõ nét trong sự kiện này. Qua đó, liên hoan thơ không chỉ để đọc thơ mà sâu xa hơn là góp phần tạo nên một đời sống mang tinh thần thi ca, ở đó công chúng đến để chia sẻ, lắng nghe, thăng hoa, cảm nhận những điều ý nghĩa của cuộc sống. Năm nay, đêm giao lưu thơ với tinh thần lễ hội như thế sẽ được tổ chức ở Quảng Ninh vào tối 3-3.

- Có phải vì thế mà đối với một số liên hoan thơ quốc tế, công chúng phải mua vé vào dự hội thảo, còn liên hoan thơ ở ta thì không thể?

- Người Việt ta trong vòng xoáy mưu sinh đương đại đã và đang đánh mất nhiều giá trị tinh thần rất cần cho đời sống. Các hoạt động thi ca của ta tổ chức miễn phí, mang tính lễ hội theo tôi là phù hợp, cần thiết trong lúc này. Ở các nước như Nauy, Ailen, Mỹ... các hội thảo thi ca mang tính khoa học chuyên sâu hơn với sự tham gia của các giáo sư, nhà nghiên cứu, sinh viên đại học, do đó mới có phương thức mua vé dành cho các đối tượng thực sự có nhu cầu.

- Xin được hỏi ông câu cuối cùng, theo đánh giá của ông việc tổ chức các sự kiện nói trên có ý nghĩa thế nào đối với đời sống văn học văn hóa nước nhà?

- Ngoài việc cụ thể là tạo ra cầu nối hợp tác, các sự kiện này sẽ góp phần đánh thức tinh thần quảng bá văn học, văn hóa Việt Nam ra thế giới; tạo ra giọng nói về nghệ thuật và tinh thần của Việt Nam trên trường quốc tế một cách có chiến lược hơn.

Vừa rồi khi nghe tôi nói về hai sự kiện văn học nói trên của chúng ta, PGS.TS Hạ Lộ của Đại học Bắc Kinh đang công tác tại Việt Nam đã quyết định ở lại tham dự và bày tỏ ý định mời các nhà văn Việt Nam thuyết trình về văn học của ta tại Trung Quốc, đồng thời bắt tay chuyển ngữ thơ văn của các nhà văn Việt Nam. Chúng ta biết, trước đây có quan điểm văn học Việt Nam ảnh hưởng của Trung Quốc, nhưng gần đây sau khi dịch giả Điền Tiểu Hoa tiên phong dịch văn học đương đại Việt Nam sang tiếng Trung thì quan điểm này đã có những thay đổi.

Có thể nói, bằng chính nỗ lực và ý thức của mình, chúng ta sẽ tạo ra sức mạnh liên kết bạn bè quốc tế nhằm quảng bá thơ văn Việt Nam cũng là quảng bá văn hóa, tinh thần Việt Nam ra thế giới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội quảng bá văn học, văn hóa Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.