(HNM) - Có thể nói, biến đổi khí hậu không còn là nguy cơ nữa, những hiện tượng thời tiết cực đoan, trái với quy luật đang từng ngày, từng giờ tác động tiêu cực tới ngành Nông nghiệp và người nông dân. Thực tế này đòi hỏi ngành Nông nghiệp Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung cần chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp ứng phó, thích nghi cả trước mắt và dài hạn, để hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo đảm phát triển bền vững.
Những thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, nền nhiệt trung bình những tháng vụ xuân 2020 đã cao hơn cùng kỳ trung bình nhiều năm và có nhiều ngày mưa, nắng, nóng, lạnh đan xen. Đây là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát triển, gây hại cho cây trồng. Mặt khác, lượng mưa tập trung trong thời điểm ngắn, phân bố không đều nên dòng chảy hạ lưu các sông: Hồng, Đà, Đuống, Thái Bình… tiếp tục ở mức thấp, cho thấy nguy cơ hạn hán đang hiện hữu. Trong khi đó, những vấn đề nội tại của ngành Nông nghiệp vẫn chưa được giải quyết triệt để như: Công tác dự báo, cảnh báo sớm còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng thiếu chủ động trong ứng phó; rồi những hạn chế trong kỹ thuật canh tác làm tăng lượng khí CO2, tăng xói mòn, giảm nguồn hữu cơ trong đất, trực tiếp ảnh hưởng đến môi trường...
Để ứng phó với biến đổi bất thường của khí hậu, những năm gần đây, ngành Nông nghiệp Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp như: Các chương trình bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với biến đổi của thời tiết; phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, công nghệ cao, hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường... Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra, đòi hỏi phải có một tư duy mới, quyết tâm mới để tạo ra những chuyển động tích cực hơn.
Trước mắt, để bảo đảm thắng lợi cho vụ xuân 2020, nhiều giải pháp đã được triển khai như chủ động đầu tư công trình lấy nước, bảo đảm sản xuất; tập trung cấy trà xuân muộn đúng khung thời vụ; chuyển đổi diện tích lúa ở những vùng thường xuyên thiếu nước sang trồng cây ăn quả, rau màu… Về lâu dài, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều giải pháp hướng tới phát triển bền vững.
Một trong những giải pháp đó là ưu tiên triển khai nghiên cứu, ứng dụng, phát triển các mô hình sản xuất tổng hợp, liên kết trồng trọt và chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, nhân rộng các biện pháp canh tác tiên tiến như: Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI)... Từ đó, hình thành tư duy mới, tạo hướng phát triển mới cho sản xuất nông nghiệp, ổn định năng suất, tăng thu nhập cho người nông dân.
Cùng với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, ngành Nông nghiệp cần chủ động phát triển và chuyển giao các bộ giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, có khả năng thích nghi với điều kiện canh tác trong bối cảnh của biến đổi khí hậu (hạn hán, ngập lụt, dịch hại...), hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn để duy trì năng suất cây trồng. Bên cạnh đó là ứng dụng các mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái nhằm bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính...
Mặt khác, ngành Nông nghiệp Thủ đô và các địa phương cũng cần nghiên cứu bố trí lại hệ thống trồng trọt theo hướng đa dạng hóa cây trồng, luân canh để bảo vệ, cải tạo chất lượng đất, đặc biệt là chọn lựa những mô hình ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, qua đó kiểm soát chặt nguồn hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật…
Biến đổi khí hậu là thách thức cho sản xuất nông nghiệp nhưng cũng là cơ hội để chuyển đổi nhanh cơ cấu cây trồng, mô hình sản xuất theo hướng hiện đại. Chủ động phát triển giống cây trồng thích nghi với biến đổi khí hậu, xây dựng những mô hình sản xuất an toàn, gắn với bảo vệ môi trường, không chỉ giảm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu mà còn là hướng đi mới nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cũng như đời sống người nông dân một cách bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.