Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ chế thị trường với “cục máu đông” nợ xấu

Minh Bắc| 23/10/2014 09:27

(HNMO) - Tái cấu trúc nền kinh tế là một đề án lớn, nếu thành công sẽ mở ra một tương lai tươi sáng cho nền kinh tế. Mà muốn tái cấu trúc thành công thì một trong những vấn đề cần giải quyết đó là giải bài toán nợ xấu…

Trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XIII (ngày 20/10/2014) đã chỉ rõ nợ xấu hiện còn cao và việc xử lý còn chậm. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm nền kinh tế vẫn ở thế chưa ổn định vững chắc. Nợ xấu được coi như "cục máu đông" của cả nền kinh tế cho nên nếu chưa giải quyết ổn thỏa vấn đề này thì rất khó nói rằng nền kinh tế của mình sẽ tươi sáng.

Bàn về nguyên nhân gây ra nợ xấu và tác hại của nó, một số chuyên gia kinh tế cho rằng nợ xấu là hệ quả của cả một giai đoạn tăng trưởng nóng, đầu tư không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp dùng vốn vay để tăng trưởng quy mô, đầu tư dàn trải, thậm chí cả trong những lĩnh vực không phải thế mạnh của mình. Rồi có những doanh nghiệp vốn chủ sở hữu của mình ít nên phải vay vốn nhiều, sử dụng vốn ngắn hạn cho sản xuất, kinh doanh để đầu tư dài hạn như xây cao ốc, nhà máy... nên bị mất cân đối dẫn đến thua lỗ, không có khả năng hoàn vốn lại cho ngân hàng. Và sự phát sinh nợ xấu - “cục máu đông” đó tất dẫn đến những hậu quả tai hại cho doanh nghiệp nhất là vấn đề tài chính, thậm chí có thể đe dọa nguy cơ tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Hiện ở một số doanh nghiệp đang vấp phải tình trạng nợ nhau vòng quanh, chiếm dụng vốn của nhau mà rất khó có thể đòi vì nhiều lý do, gây khó khăn do ảnh hưởng dây chuyền từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác. Một số doanh nghiệp nhà nước vướng mắc trong xử lý công nợ nên làm giảm sức hấp dẫn của cổ phiếu khi cổ phần hóa hay chào bán cổ phần ra công chúng.

Đối với nợ xấu ở hệ thống ngân hàng thì vẫn còn có những cách nhìn khác nhau. Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, mới đây cũng đã có báo cáo giải trình với Quốc hội, có ý “Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014” với lý do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều cải thiện, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Mặt khác, các tổ chức tín dụng áp dụng chuẩn mực mới về phân loại nợ chặt chẽ hơn để phản ánh chính xác hơn chất lượng tín dụng và thực trạng nợ xấu.

Bài toán nợ xấu đang đặt ra vấn đề là làm thế nào để giải quyết nó trong bối cảnh tình hình kinh tế Việt Nam hiện nay. Trước hết, có lẽ cần một định nghĩa thật sự rõ ràng minh bạch về nợ xấu. Nợ xấu theo định nghĩa tại Quyết định số 493/2005/QĐ ngày 22/4/2005 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì đó là những khoản nợ được phân loại vào nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn), nhóm 4 (nợ nghi ngờ) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Nói chung nợ xếp vào nhóm 3 trở về sau đều là các khoản nợ quá hạn từ trên 90 ngày trở lên, trong đó nhóm 5 quá hạn trên 360 ngày, nợ có khả năng mất vốn. Thực tế, nhiều người vẫn quan niệm nợ xấu là khoản tiền đã cho vay nhưng chủ nợ xác định rất khó thu hồi và đối với các ngân hàng, nợ xấu là các khoản tiền cho các doanh nghiệp vay mà không thể thu hồi lại được do doanh nghiệp đó làm ăn thua lỗ hoặc phá sản...

Muốn đưa ra cách giải quyết nợ xấu thì ít nhất cũng cần phải biết số nợ xấu chính xác là bao nhiêu? Theo định nghĩa chính thức về nợ xấu, người ta có thể hiểu cũng là khoản nợ xấu nhưng lại nợ xấu ít, nợ xấu vừa và nợ rất xấu… nghĩa là nợ bị mất trắng. Nợ xấu này mới là con số thực sự đáng lo lắng và cũng là góc khuất nhất của nợ xấu.

Về phương án xử lý nợ xấu, chúng ta đã có đề án xử lý nợ xấu, đó là việc thành lập Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Nhưng đến nay cũng chỉ mới xử lý 53,6% tổng số nợ xấu được xác định trong Đề án bằng thu hồi nợ, tái cơ cấu nợ, sử dụng dự phòng rủi ro và mua lại nợ xấu qua VAMC.
Có thể nói. theo kinh nghiệm từ các nước trên thế giới về xử lý nợ xấu thì việc thành lập VAMC như chúng ta đã làm là đúng hướng. Còn để nó xử lý được nhanh hay chậm, hiệu quả hay không thì còn phụ thuộc vào cơ chế hoạt động của VAMC, môi trường hoạt động pháp lý của nó. Theo quy định hiện hành thì VAMC hoạt động không được lỗ, không sử dụng tiền ngân sách của nhà nước… đang được xem như bị trói tay, trói chân khiến VAMC hoạt động thiếu hiệu quả.

Cho nên để giải quyết nợ xấu có hiệu quả thì xu hướng hiện nay cho rằng cần phải thị trường hóa việc mua, bán nợ xấu. Nợ xấu do cơ chế thị trường sinh ra thì phải dùng cơ chế thị trường để xử lý nó. Muốn vậy phải tăng thêm quyền hạn cho VAMC, tạo điều kiện cho VAMC xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường. Do đó, VAMC cần được chủ động trong các thủ tục pháp lý, thủ tục mua những khoản nợ xấu có vướng mắc về pháp lý. Sau khi mua rồi thì tìm nhà đầu tư để bán và bán xong thì hoàn tất thủ tục về quyền sở hữu và quyền sử dụng cho nhà đầu tư. Tất nhiên đã hoạt động theo cơ chế thị trường thì phải có lời, có lỗ. Và nếu VAMC hoạt động có trách nhiệm và chuyên nghiệp thì khả năng bị lỗ là rất khó. Chỉ có như vậy thì “cục máu đông” mới bị tiêu tan và “dòng máu vốn” mới lưu thông chuyển động để nuôi dưỡng, phát triển các hoạt động của cả nền kinh tế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ chế thị trường với “cục máu đông” nợ xấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.