(HNM) - Sau hơn 1 tháng cao điểm thực hiện kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trên các tuyến đường giao thông do Bộ Công an phát động, Hà Nội được đánh giá là địa bàn dẫn đầu cả nước về xử lý xe quá tải, quá khổ và chưa ghi nhận tai nạn giao thông nào liên quan đến nồng độ cồn và chất kích thích… Những chuyển biến tích cực này đang được các lực lượng chức năng duy trì với quyết tâm cao.
Xử lý hơn 1.000 trường hợp xe quá tải, quá khổ
Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) xác định, xe quá khổ, quá tải là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn của các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, gây mất an toàn giao thông; đồng thời có thể làm thiệt hại không nhỏ về kinh tế do phải khắc phục hạ tầng giao thông bị hư hỏng...
Thiếu tá Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) thông tin, trong hơn 1 tháng cao điểm vừa qua (từ ngày 20-6 đến nay), Hà Nội đã dẫn đầu cả nước khi phát hiện, xử lý hơn 1.000 trường hợp xe quá tải, quá khổ. Để tiếp tục ngăn chặn tình trạng này, lực lượng Cảnh sát giao thông đã có nhiều giải pháp quyết liệt. Trong đó, đã vận động được 468 trường hợp cắt thùng xe theo đăng kiểm; cưỡng chế 52 trường hợp cố tình vi phạm đi trên đường...
Chị Trương Mai Phương, chuyên viên Bộ Tài chính cho biết, do công việc, chị thường xuyên đi lại trên tuyến đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 21 và khu vực ngoại thành. Chuyển biến thấy rõ là ở những cung đường này đã vắng bóng xe quá khổ, quá tải hoạt động…
Trung tá Vũ Văn Hoài, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 12 (Phòng Cảnh sát giao thông) cho hay, do địa bàn phụ trách nằm giáp ranh với tỉnh Hòa Bình nên việc phát hiện, xử lý vi phạm của lực lượng công an càng triệt để. Ngoài việc phối hợp với đơn vị bạn, đơn vị đã cắm chốt tuần tra trên đường và yêu cầu các chủ mỏ khai thác đất, đá cam kết hạ tải thùng xe theo đúng quy định.
Ghi nhận ở khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố, Thiếu tá Phùng Quang Hưng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Phòng Cảnh sát giao thông) cho biết, thông qua công tác nghiệp vụ đã rà soát, thống kê các doanh nghiệp vận tải, cá nhân lái xe tải thường xuyên lưu thông qua địa bàn của đội quản lý. Từ đó, đơn vị lên danh sách để gặp gỡ, vận động các lái xe, chủ doanh nghiệp vận tải ký cam kết không thực hiện hành vi cơi nới thành thùng xe, chở hàng quá tải… Đến nay, Đội Cảnh sát giao thông số 14 đã vận động các chủ xe tự giác tháo, cắt 47 xe có thành thùng cơi nới và hơn 50 lái xe viết cam kết không chở hàng quá tải trọng cho phép.
Tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm
Cũng trong đợt cao điểm xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, thành phố Hà Nội nằm trong những địa phương có kết quả xử lý nồng độ cồn cao là 1.616 trường hợp, nhưng là địa phương chưa xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến lái xe sử dụng rượu, bia và chất kích thích.
Thượng tá Nguyễn Văn Công, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) khẳng định, trong đợt cao điểm lần này, ngoài việc xử phạt lỗi vi phạm về nồng độ cồn phát hiện trực tiếp trên đường, Cảnh sát giao thông còn phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động các chủ nhà hàng, quán bar, vũ trường… để họ nhận thức và kịp thời thông báo đến khách hàng là đã uống rượu, bia thì không lái xe. Đặc biệt, trường hợp người vi phạm nồng độ cồn là đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, Công an thành phố sẽ gửi biên bản về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định.
Còn Thiếu tá Nguyễn Hoàng Hải, Tổ trưởng tổ xử lý nồng độ cồn, Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Phòng Cảnh sát giao thông) cho biết, quá trình lập biên bản, người vi phạm đưa ra rất nhiều lý do, xin được bỏ qua vi phạm hoặc nộp phạt tại chỗ. Tuy nhiên, Cảnh sát giao thông ngoài việc xử lý đúng luật đã giải thích, tuyên truyền về tác hại và sự nguy hiểm khi sử dụng rượu, bia tham gia giao thông. “Đơn vị vừa xử phạt 1 trường hợp lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn vượt mức kịch khung với số tiền 35 triệu đồng”, Thiếu tá Nguyễn Hoàng Hải thông tin.
Ở góc độ địa phương, theo Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) Tống Xuân Duy, toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương đã được quán triệt không sử dụng rượu, bia, thức uống có cồn trước, trong giờ làm việc và buổi trưa. Các hàng quán trên địa bàn cũng được vận động, tuyên truyền khi thấy khách có biểu hiện say xỉn cần gọi xe taxi hoặc liên hệ người nhà đến đón về.
Theo Công an thành phố Hà Nội, việc kiểm tra, xử lý đối với xe ô tô chở quá tải và vi phạm nồng độ cồn đều nằm trong kế hoạch thực hiện xuyên suốt của năm 2022. Trong đợt ra quân cao điểm kéo dài đến ngày 20-9-2022, lực lượng chức năng tập trung phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, như: Vi phạm nồng độ cồn, điều khiển phương tiện vượt quá tốc độ cho phép, cơi nới thùng xe và chở quá trọng tải...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.