Chuyển đổi số

Estonia - quốc gia đi đầu về phổ cập kiến thức chuyển đổi số

Quỳnh Dương 11/05/2025 - 08:41

Chuyển đổi số đang trở thành xu hướng tất yếu trên thế giới trong kỷ nguyên công nghệ 4.0.

Vì thế, những năm gần đây, nhiều quốc gia đã triển khai hiệu quả các chương trình phổ cập kiến thức số, giúp người dân và doanh nghiệp thích ứng và theo kịp với tiến trình số hóa. Một trong những hình mẫu được đánh giá thành công trong phổ cập kiến thức số là Estonia.

esto-nia.jpg
100% dịch vụ công tại Estonia có thể được thực hiện trực tuyến.

Ngay sau khi tách ra độc lập khỏi Liên bang Xô Viết từ những năm 1990, Estonia đã bắt đầu lộ trình số hóa với mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử toàn diện để thay thế hệ thống hành chính giấy tờ truyền thống. Những phần mềm hệ thống lần lượt ra đời như: Hệ thống định danh điện tử (e-ID), cho phép công dân truy cập mọi dịch vụ công trực tuyến, từ khai sinh, đăng ký kinh doanh đến bầu cử; Chữ ký số được công nhận về mặt pháp lý, giúp giảm thiểu thủ tục giấy tờ; Nền tảng X-Road nhằm chia sẻ dữ liệu an toàn, kết nối các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Với chiến lược bài bản, quốc gia nhỏ bé vùng Baltic này đã giúp người dân sớm tiếp cận với công nghệ số một cách dễ dàng và hiệu quả. Nhờ đó, 100% dịch vụ công của Estonia có thể thực hiện trực tuyến, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Chìa khóa dẫn đến thành công cho quốc gia này là giáo dục kiến thức chuyển đổi số từ sớm. Ngay từ năm 2012, học sinh lớp 1 đã được làm quen với tư duy máy tính thông qua nhiều sáng kiến được lồng ghép vào các trò chơi liên quan tới tư duy logic và lập trình cơ bản. Ngoài ra, các chương trình khuyến khích phát triển khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học (STEM) cũng được thúc đẩy thông qua những cuộc thi như "Robotex" - một trong những sự kiện lớn nhất châu Âu về lĩnh vực khoa học kỹ thuật thiết kế, xây dựng và ứng dụng robot cơ khí. Nhờ vậy, Estonia liên tục đứng đầu các bảng xếp hạng về kỹ năng số của Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (PISA).

Không chỉ đầu tư vào công nghệ, Estonia chú trọng thay đổi nhận thức của các tầng lớp xã hội. Đất nước hơn 1,3 triệu dân này sử dụng nhiều kênh truyền thông để phổ biến kiến thức số hóa. Ví dụ, chiến dịch "Digital Literacy" trên truyền hình, mạng xã hội, giải thích đơn giản về các dịch vụ số như cư trú điện tử (e-Residency), bầu cử điện tử (i-Voting). Còn Hội chợ "Latitude59" thu hút các cá nhân muốn khởi nghiệp và công dân tham gia trải nghiệm công nghệ mới. Cổng thông tin e-Estonia cung cấp tài liệu hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến bằng nhiều ngôn ngữ. Để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, Estonia triển khai nhiều chương trình giúp người cao tuổi và người ít tiếp xúc công nghệ học cách sử dụng và thao tác với các ứng dụng ngân hàng điện tử (e-banking), y tế điện tử (e-Health).

Chiến dịch "Digital Estonia" không chỉ giúp người dân hiểu sâu hơn về lợi ích của dịch vụ số mà còn đào tạo miễn phí cho người cao tuổi tại các thư viện công cộng, giúp họ sử dụng internet an toàn. Các trung tâm đào tạo công nghệ miễn phí liên tục mở lớp cho lập trình viên chất lượng cao trong 6 tháng. Các buổi hội thảo và thực hành về trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu, an ninh mạng thường xuyên được tổ chức. Ngoài ra, chính phủ còn hợp tác với khu vực tư nhân để cung cấp wifi miễn phí trên toàn quốc. Theo thống kê, 88% người Estonia sử dụng internet hằng ngày, và 67% người cao tuổi dùng dịch vụ ngân hàng trực tuyến.

Ông Andrus Kaarelson, Giám đốc quốc gia của Unifiedpost Estonia - một tập đoàn lớn về các giải pháp kỹ thuật số cho biết, sau khi Estonia độc lập, do nguồn lực và ngân sách hạn chế, nước này không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tạo ra các sáng kiến để triển khai hoạt động một cách hiệu quả trong lĩnh vực công. Một trong những sáng kiến này là chương trình Tiger Leap, bắt đầu vào năm 1996, để tăng cường sử dụng máy tính và cơ sở hạ tầng mạng, đặc biệt là trong các cơ sở giáo dục của Estonia. Cùng năm đó, Estonia cũng đã triển khai e-cabinet, một trong những nội các điện tử đầu tiên trên thế giới. Lần lượt ra đời sau đó là dịch vụ ngân hàng có thể truy cập 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần ngay tại nhà của công dân. Vào năm 2000, người dân Estonia có thể khai thuế trực tuyến thông qua e-tax. Đến nay 100% dịch vụ công đã được số hóa.

Estonia chứng minh rằng, một quốc gia dù nhỏ vẫn có thể dẫn đầu về chuyển đổi số nếu có chiến lược đúng đắn. Thành công của Estonia trong chuyển đổi số không chỉ nhờ vào hạ tầng công nghệ mà còn nhờ chiến lược phổ biến kiến thức bài bản, giúp mọi công dân trở thành một phần của xã hội số. Từ trẻ em đến người già, từ thành thị đến nông thôn, người dân Estonia đều được trang bị kỹ năng cần thiết để thích ứng với kỷ nguyên công nghệ. Việc kết hợp giữa chính sách mạnh mẽ, giáo dục bài bản và truyền thông hiệu quả đã biến Estonia thành "quốc gia số" thành công nhất thế giới. Đây là hình mẫu mà nhiều nước có thể học hỏi để rút ngắn lộ trình phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Estonia - quốc gia đi đầu về phổ cập kiến thức chuyển đổi số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.