Giao thông

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bộ Công an vào cuộc điều tra việc cấp mỏ vật liệu tại các địa phương

Theo TTXVN 10/05/2025 14:00

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp điều chuyển, chia sẻ vật liệu cho các dự án; đặc biệt yêu cầu Bộ Công an và cơ quan chức năng liên quan vào cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra việc cấp mỏ vật liệu và kinh doanh vật liệu san lấp tại các địa phương; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Kết luận Phiên thứ 17 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo), trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 49 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vào sáng 10-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh, việc thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông vận tải vừa phục vụ 3 đột phá chiến lược, đáp ứng yêu cầu phát triển, mang lại lợi ích của các địa phương; đồng thời là một động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 8% trong năm 2025 và hai con số trong những năm tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông vận tải. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Do đó, Thủ tướng chỉ đạo phải tập trung thúc đẩy triển khai các dự án theo đúng các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vẫn vướng trong cung ứng vật liệu san lấp và giải phóng mặt bằng

Theo Ban Chỉ đạo, hiện nay, các dự án thuộc Ban Chỉ đạo gồm 37 dự án/95 dự án thành phần, với tổng số vốn đầu tư trên 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, có 35 dự án thuộc lĩnh vực đường bộ và 2 dự án thuộc lĩnh vực hàng không. Kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo đã chủ trì họp 16 phiên và đã nhiều lần trực tiếp kiểm tra hiện trường, làm việc với các địa phương để chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đôn đốc tiến độ các dự án.

Các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được giao, đến nay, nhiều khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ, tiến độ thi công các dự án chuyển biến rõ rệt, đặc biệt 19 dự án, dự án thành phần đã đưa vào khai thác. Trong đó, nổi bật như hoàn thành đưa vào khai thác 16 tuyến cao tốc, nâng tổng số đường bộ cao tốc của cả nước từ 1.327 km lên 2.268 km, đưa vào khai thác tuyến đường kết nối và nhà ga T3 Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; đang triển khai thi công 52 dự án, dự án thành phần cơ bản bám sát tiến độ đề ra; đặc biệt, sau thời gian dài chậm trễ, dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được khởi động lại, thúc đẩy triển khai.

Tại Phiên họp lần thứ 16 của Ban Chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã giao 33 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương, trong đó tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án; đến nay, các đơn vị đã hoàn thành 26 nhiệm vụ đúng thời hạn yêu cầu. Ngoài ra, các cơ quan đang tích cực triển khai 2 nhiệm vụ là công việc chỉ đạo, điều hành thường xuyên và 5 nhiệm vụ chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu…

Ban Chỉ đạo đánh giá, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí Phó Thủ tướng, sự phối hợp trong giải quyết các thủ tục, hướng dẫn triển khai của các bộ, ngành; các địa phương, các chủ đầu tư đã nỗ lực cố gắng, chủ động triển khai, khắc phục các khó khăn để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục tập trung tháo gỡ. Trong đó, về công tác giải phóng mặt bằng, còn một phần diện tích không lớn và di dời hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.

Việc cung ứng vật liệu xây dựng tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, An Giang, Sóc Trăng chưa hoàn thành thủ tục cấp phép đối với một số mỏ còn lại, ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch hoàn thành các dự án.

Phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông vận tải. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Tiến độ thi công tại một số dự án có kế hoạch hoàn thành năm 2025 do các địa phương làm cơ quan chủ quản còn chậm, chưa có chuyển biến rõ rệt, tiềm ẩn nguy cơ không hoàn thành đúng tiến độ, ảnh hưởng đến kế hoạch hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc, như đã nêu trên.

Trong đó, 11 dự án cao tốc có kế hoạch hoàn thành năm 2025 của 10 địa phương làm cơ quan chủ quản đang còn vướng mắc, chậm tiến độ, hiện mới đạt 15% đến 55%; nếu không có giải pháp, triển khai quyết liệt hơn thì nguy cơ không xong trong năm nay.

Ban Chỉ đạo chỉ rõ, tỉnh Lâm Đồng chưa hoàn thành thủ tục để phê duyệt dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc do chồng lấn giữa phạm vi dự án với khu vực quy hoạch khoáng sản. Tỉnh Thái Bình và Lâm Đồng không giải ngân hết số vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và kiến nghị cho phép thực hiện giải ngân trong giai đoạn 2026-2030. Đáng chú ý, dự án đường sắt tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng gặp khó khăn, ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành các thủ tục để khởi công dự án vào cuối năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Sau khi các địa phương báo cáo các nguyên nhân trong việc chậm tiến độ các dự án, nhất là những khó khăn trong việc cung ứng vật liệu xây dựng phục vụ các dự án, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp điều chuyển, chia sẻ vật liệu cho các dự án; đặc biệt yêu cầu Bộ Công an và cơ quan chức năng liên quan vào cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra việc cấp mỏ vật liệu và kinh doanh vật liệu san lấp tại các địa phương; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải, nhất là tại các dự án cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất; các cầu Đại Ngãi, Rạch Miễu, Mỹ Thuận; các tuyến cao tốc Cao Bằng – Lạng Sơn, Cần Thơ – Cà Mau; các công trình hạ tầng, đường kết nối sân bay Long Thành… Trong đó, các tỉnh, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Tuyên Quang, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long có nhiều nỗ lực, cố gắng triển khai các dự án liên quan, nhất là trong giải phóng mặt bằng.

Nói thật, làm thật, hiệu quả thật, tuyệt đối tránh bệnh hình thức

Nêu các bài học, cũng như các hạn chế cần khắc phục trong giải phóng mặt bằng, cung cấp vật liệu xây dựng, giải quyết thủ tục; nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng cũng như các yêu cầu trong việc triển khai các công trình, dự án, nhất là chuẩn bị cho đồng loạt khởi công, khánh thành các dự án dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh và kỷ niệm 79 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ không thay đổi các mục tiêu cơ bản về tiến độ, chất lượng, không để đội vốn, không xảy ra lãng phí, tiêu cực trong triển khai các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải.

Đại diện các ngành, nhà thầu, ban quản lý dự án tham dự cuộc họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo của các cấp phát huy gương mẫu, dành thời gian, công sức lãnh đạo, chỉ đạo, hằng tháng rà soát, thúc đẩy công việc kịp thời, linh hoạt, xử lý hiệu quả các vấn đề còn vướng mắc, tồn đọng. Các Ban Chỉ đạo hoạt động tích cực, hiệu quả hơn, tinh thần là nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật, tuyệt đối tránh bệnh hình thức.

Với trách nhiệm cao nhất “tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt tinh thần “tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả”; trong mọi trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, các nhà thầu, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm, hiệp lực, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “quyết tâm cao nhất, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm”, “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện”, làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó. Quá trình tổ chức thực hiện, việc phân công bảo đảm 6 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền”; để “dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ đôn đốc”.

Trong đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung huy động cả hệ thống chính trị để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm, sớm tháo gỡ vướng mắc, hoàn thành thủ tục với các mỏ, đáp ứng yêu cầu về nguyên vật liệu xây dựng của các nhà thầu, chủ đầu tư, ban quản lý.

Nhấn mạnh, những vấn đề phát sinh phải được xử lý ngay, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó xử lý, không đùn đẩy, né tránh, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, với các dự án hợp tác công tư thì giải quyết nhanh các thủ tục, nếu vướng mắc thì đề xuất Quốc hội dùng một luật sửa nhiều luật ngay tại Kỳ họp thứ 9, triển khai các dự án theo tinh thần Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân để huy động tối đa nguồn lực vào phát triển đất nước.

Nhắc Ngân hàng Nhà nước sớm triển khai gói tín dụng 500 nghìn tỷ đồng cho hạ tầng chiến lược và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Bộ Tài chính cân đối, bố trí sử dụng nguồn lực phù hợp, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực. Tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Thái Bình chủ động phối hợp với Bộ Tài chính để giải quyết vướng mắc về điều chuyển vốn cho các dự án.

Về thi công, trên tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, thi công “3 ca 4 kíp”, “xuyên lễ, xuyên tết”, để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, phấn đầu hoàn thành vượt tiến độ đề ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các chủ đầu tư, nhà thầu huy động nguồn lực từ các nhà thầu phụ, nhân lực, máy móc tại địa phương, cái gì có thể dùng lao động thủ công thì huy động các lực lượng quân đội, công an, thanh niên...

Các bộ, ngành, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phải chủ động kiểm tra, giám sát, đôn đốc, giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền; Văn phòng Chính phủ tham mưu các Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng đoàn của 7 Đoàn kiểm tra tiếp tục định kỳ hằng tháng đôn đốc, rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án.

Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ rà soát, đề xuất khen thưởng với những tập thể, cá nhân làm tốt tại Phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo, trong đó có thưởng cho các dự án có nhiều cải tiến kỹ thuật, giúp tiết kiệm chi phí, vượt tiến độ, nâng cao chất lượng; ai có khuyết điểm phải chỉ ra, ai không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm thì phải xử lý, kỷ luật kịp thời.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, các cơ quan truyền thông, báo chí đẩy mạnh thông tin đầy đủ, khách quan, kịp thời, cổ vũ, động viên khí thế triển khai trên công trường các dự án, những kết quả đạt được; khẳng định thành tựu của cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp trong phát triển hạ tầng giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Bộ Công an vào cuộc điều tra việc cấp mỏ vật liệu tại các địa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.