Mới đây, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã ra quyết định “giáng” CLB Phú Thọ xuống thi đấu tại Giải bóng đá hạng Ba toàn quốc ở mùa giải tới vì đã có hành vi “thao túng trận đấu”. Đây thực sự là cú sốc lớn với thể thao Việt Nam nói chung, bóng đá nói riêng, cho thấy các cơ quan quản lý thể thao trong nước cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường đầu tư cho công tác kiểm tra, giám sát nhằm loại bỏ hành vi tiêu cực trong đời sống thể thao nước nhà.
Không phải chuyện mới
FIFA khẳng định, CLB Phú Thọ bị phạt là do đã thao túng trận đấu - hành vi gây ảnh hưởng hoặc thay đổi bất hợp pháp đối với diễn biến, kết quả trận đấu. Thông báo này không đề cập chi tiết việc thao túng ở trận đấu cụ thể nào của CLB Phú Thọ. Mặc dù CLB này có 10 ngày để kháng cáo nhưng LĐBĐ Việt Nam đã dừng thi đấu với CLB Phú Thọ từ vòng 5 của Giải bóng đá hạng Nhì toàn quốc năm 2025. Kết quả những trận đấu trước vòng này của Phú Thọ cũng bị hủy bỏ.
Thực tế, Phú Thọ không phải là CLB đầu tiên của thể thao Việt Nam bị tổ chức quản lý thể thao cấp thế giới xử lý kỷ luật sau khi tổ chức đó trực tiếp phát hiện hành vi vi phạm. Năm 2019 - 2020, cử tạ Việt Nam liên tiếp đón tin xấu khi có tới 4 lực sĩ bị Tổ chức phòng, chống doping thế giới phát hiện sử dụng chất cấm trong tập luyện, thi đấu thông qua kiểm tra ngẫu nhiên.
Trong thực tế, người của Tổ chức phòng, chống doping thế giới có thể đến bất cứ quốc gia nào để lấy mẫu ngẫu nhiên xét nghiệm doping với bất cứ VĐV nào, kể cả khi VĐV đó đang trong giai đoạn tập luyện. Đô cử Trịnh Văn Vinh bị tổ chức này kiểm tra, lấy mẫu thử doping trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 là một ví dụ điển hình. Sau đó, mẫu thử doping của Trịnh Văn Vinh cho kết quả dương tính; án phạt với đô cử này có hiệu lực từ đầu năm 2019, đến năm 2023 mới chấm dứt.
Câu chuyện về CLB Phú Thọ cho thấy tiêu cực vẫn đang len lỏi trong các giải đấu ở Việt Nam. Đó là bài toán lớn trong hành trình tạo lập môi trường thể thao Việt Nam thực sự “sạch”.
Nhiều bên cùng tham gia
FIFA hay Tổ chức phòng, chống doping thế giới đều là những tổ chức đi đầu trong việc phòng, chống hành vi tiêu cực trong hoạt động thể thao. Không phải ngẫu nhiên khi FIFA đã tạo ra hệ thống tố giác trực tuyến. Theo đó, người tố giác có thể dùng danh tính thật hoặc ẩn danh để lập tài khoản rồi báo cáo bất kỳ hành vi, hình thức thao túng trận đấu hoặc giải đấu. Sau khi nhận được thông tin, FIFA và các tổ chức thành viên sẽ phối hợp làm rõ và xử lý nếu có vi phạm. Trường hợp CLB Phú Thọ bị xử lý như trên thêm một lần cho thấy, những hành vi thao túng trận đấu lúc nào cũng có thể xảy ra trong làng bóng đá Việt Nam.
Trong khi đó, việc sử dụng doping trong nhiều môn thể thao, đặc biệt là cử tạ, xe đạp... đã khiến Tổ chức phòng, chống doping thế giới phải đưa ra giải pháp là đi đến nhiều quốc gia thực hiện xét nghiệm doping ngẫu nhiên với nhiều VĐV. Thậm chí, VĐV của quốc gia này đang tập huấn ở quốc gia khác cũng có thể bị lấy mẫu thử doping ngẫu nhiên. Việc này được thực hiện nhằm tránh trường hợp VĐV sử dụng doping có thể qua mặt các nhà tổ chức thi đấu, kịp “tẩy” doping khi tập luyện vào trước ngày thi đấu. Đến lúc thi đấu xong, nếu người của ban tổ chức giải có lấy được mẫu xét nghiệm doping thì đã muộn. Rõ ràng, đây là cách làm mang lại hiệu quả, có tính răn đe cao.
Cũng vì Tổ chức phòng, chống doping thế giới làm quyết liệt nên từ năm 2021 đến nay, cử tạ Việt Nam chưa có trường hợp nào bị cấm thi đấu do bị phát hiện sử dụng doping sau những lần kiểm tra, thử doping ngẫu nhiên do Tổ chức phòng, chống doping thế giới thực hiện.
Trong thông báo gần đây, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã khẳng định, tổ chức này kiên quyết không khoan nhượng đối với các hành vi tiêu cực. Liên đoàn sẽ tăng cường kiểm soát toàn bộ hệ thống bóng đá quốc gia để bảo đảm tính minh bạch và sự phát triển bền vững của bóng đá Việt Nam.
Còn Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ và Thể hình Việt Nam Đỗ Đình Kháng cũng cho rằng, việc Tổ chức phòng, chống doping thế giới thực hiện xét nghiệm doping ngẫu nhiên tại nhiều quốc gia là giải pháp quyết liệt, hiệu quả dù rất tốn kém. Không chỉ cử tạ mà nhiều môn thể thao khác tại Việt Nam đều cần tuyên truyền, phổ biến cho VĐV về vấn đề này cũng như thực hiện biện pháp kiểm tra, giám sát VĐV một cách nghiêm ngặt.
Phòng, chống tiêu cực chắc chắn không chỉ là trách nhiệm của FIFA, Tổ chức phòng, chống doping thế giới hay một số liên đoàn thể thao quốc gia. Đó cũng là trách nhiệm của cơ quan quản lý thể thao từ Trung ương tới các địa phương trong cả nước và phần việc này cần được quan tâm đầu tư một cách thỏa đáng, coi trọng nhiều hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.