Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà thơ Tố Hữu (4/10/1920-4/10/2020), tối 4-10, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện chương trình nghệ thuật thơ nhạc "Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ".
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng dự chương trình.
"Từ ấy" là bản đàn dạo khúc vui đầu tiên của người chiến sĩ cách mạng khi gặp lý tưởng của Đảng, đó là khi tâm hồn được hồi sinh, trí tuệ bừng sáng, nhận thức trách nhiệm lớn lao với cuộc đời. Thông qua những tác phẩm của thi sĩ cách mạng Tố Hữu - người tự nhận "Tôi chỉ là nhà thơ nghiệp dư và là nhà cách mạng chuyên nghiệp", chương trình làm sống lại những câu chuyện lịch sử của dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh.
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim".
Những vần thơ, những ca khúc được nhiều thế hệ yêu mến được dàn dựng nghệ thuật để thể hiện tinh thần yêu nước, trọng nhân nghĩa, sự đùm bọc yêu thương nhau đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn và trở thành lẽ sống, chất kết dính gắn bó con người Việt Nam.
Trong chương trình, những đóng góp trong sự nghiệp hoạt động cách mạng và công lao, cống hiến to lớn của nhà thơ cách mạng Tố Hữu – người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được giới thiệu qua các tác phẩm nghệ thuật. Những vần thơ ca ngợi phẩm chất tốt đẹp con người Việt Nam, tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam trong Tố Hữu được nhân dân đón nhận, lưu truyền vì nói đúng được tâm thức của dân tộc, từ đó trở thành khối tài sản văn hóa, có giá trị lâu dài.
Chương trình được được chia 5 phần. Phần 1: "Tôi buộc lòng tôi với mọi người" thể hiện tinh thần của thế hệ thanh niên cách mạng quyết "dậy mà đi" để giành tự do độc lập cho dân tộc.
"Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" - câu thơ trong bài "Theo chân Bác" là tên gọi phần 2 của chương trình. Trong chặng đường 30 năm gian khổ chiến đấu vì độc lập tự do, có những vần thơ như "Việt Bắc", "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên", "Ta đi tới", "Có thể nào yên", "Bài ca xuân 68"… đã chắp cánh, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước.
Đến với phần 3: "Có những con người từ chân lý sinh ra", khán giả được nhắc nhớ đến hình ảnh những con người như: Nguyễn Văn Trỗi, Trần Thị Lý…, với lẽ sống, chiến đấu và hy sinh vì Tổ quốc, đã được khắc họa bằng thơ.
"Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn" - tên phần 4 của chương trình giúp khán giả thấy lại hình ảnh Bác Hồ - Người kết tinh những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người Việt Nam trong những vần thơ đi vào lịch sử thơ ca cách mạng.
Phần 5: "Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam" được thể hiện qua những câu thơ vẫn còn vang vọng mãi "Lòng ta chung một Cụ Hồ/ Lòng ta chung một Thủ đô/Lòng ta chung một cơ đồ Việt Nam!".
Dân tộc Việt Nam đã trải bao gian khó để giành được độc lập và có cơ đồ ngày hôm nay, khi mỗi người có cùng lẽ sống vì đất nước, vì quê hương, vì cơ đồ Việt Nam sẽ luôn được tiếp nối.
Tại chương trình, khán giả đã nghe nhà thơ Vũ Quần Phương; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Quốc phòng; doanh nhân Hoàng Nam Tiến... chia sẻ nhiều quan điểm, bình luận về giá trị của thơ Tố Hữu đối với cuộc đời. Những vần thơ đã có sức mạnh to lớn đối với tinh thần của con người trong cách mạng và cuộc kháng chiến trường kỳ cứu nước. Đến hôm nay, những dòng thơ còn giúp mỗi người đặt câu hỏi, thức tỉnh, vun đắp tình yêu và lẽ sống, để tiếp tục gìn giữ, xây dựng cơ đồ Việt Nam.
Chương trình còn có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ được khán giả yêu mến, như: Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh; Nghệ sĩ nhân dân Tự Long; Nghệ sĩ ưu tú Thanh Vinh; Nghệ sĩ ưu tú Mai Hoa, cùng các nghệ sĩ Nhà hát ca múa nhạc Quân đội... mang đến cho khán giả nhiều cung bậc cảm xúc xuyên suốt chương trình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.