Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chung tay bảo vệ trẻ em

Nhóm phóng viên| 31/05/2022 07:11

(HNM) - UBND thành phố Hà Nội ngày 26-5 mới đây đã tổ chức Lễ phát động Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em”. Dư luận kỳ vọng, thông qua sự kiện này, các cơ quan chức năng, chính quyền các cấp sẽ quyết liệt triển khai các chương trình hành động cụ thể, bảo đảm thực hiện hiệu quả quyền trẻ em, để trẻ em Thủ đô được sống an toàn trong chính ngôi nhà của mình.

Trẻ em vui chơi ở Công viên Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy). Ảnh: Quang Thái

Phó Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng: 
Thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Công tác “ươm mầm xanh tương lai” được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở chung tay, chung sức thực hiện. Thành phố đã ban hành nhiều văn bản, chính sách đặc thù cho trẻ em; triển khai thực hiện hiệu quả chương trình, đề án, kế hoạch về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Từ mục tiêu của Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022, các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã cần tập trung tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động xã hội, thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, kế hoạch, chương trình của thành phố về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phòng, chống xâm hại, bạo lực, phòng, chống tai nạn, thương tích ở trẻ em.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng:
Lập bản đồ cảnh báo địa điểm nguy cơ gây tai nạn, thương tích

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em những năm qua luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Quốc Oai đặc biệt quan tâm. Đến nay, 100% xã, thị trấn đã thành lập, kiện toàn Ban Bảo vệ trẻ em, Nhóm thường trực bảo vệ trẻ em. Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, tố giác hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em. Tập huấn cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em những kỹ năng phòng, chống tai nạn, thương tích, tự bảo vệ bản thân. Nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn”; rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời địa điểm nguy cơ cao gây tai nạn, thương tích trẻ em.

Trưởng ban Công tác thiếu nhi (Thành đoàn Hà Nội) Bùi Mạnh Hướng: 
Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội 

Để bảo đảm an toàn cho trẻ em, trước kỳ nghỉ hè hằng năm, các cơ sở Đoàn, Hội trên địa bàn thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động hè gắn với Chiến dịch Thanh niên tình nguyện. Từ chủ đề của Tháng hành động Vì trẻ em năm 2022, Ban Công tác thiếu nhi Thành đoàn Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các cơ sở Đoàn, Hội chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong tiếp nhận học sinh sau khi kết thúc năm học 2021-2022 để quản lý, tổ chức hoạt động hè tại địa bàn dân cư. Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý, giám sát học sinh thời gian nghỉ hè bảo đảm an toàn. Trong đó, đặc biệt chú trọng các hoạt động rèn luyện kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho thiếu niên, nhi đồng.

Bà Hoàng Thùy Dương (đường Đản Dị, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh): 
Bảo đảm an toàn cho trẻ em trên không gian mạng

Hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, rất nhiều người bao gồm cả thanh, thiếu niên sử dụng internet trong học tập, giải trí, giao tiếp và tiếp cận các dịch vụ. Trong khi đó, chỉ có số ít trẻ em được trang bị kiến thức và kỹ năng an toàn khi sử dụng internet. Điều này làm tăng rủi ro trên môi trường trực tuyến với trẻ em như nạn quấy rối, bắt nạt trên mạng, bạo lực mạng… Do đó, cơ quan quản lý, nhà trường và gia đình cần có cái nhìn đúng đắn về thực trạng này để trang bị năng lực, kỹ năng, hành lang pháp lý, có biện pháp can thiệp phù hợp nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.

Bà Nguyễn Thị Tâm, phụ huynh học sinh Trường Trung học cơ sở Thượng Thanh (phường Thượng Thanh, quận Long Biên): 
Dạy con kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực

Hiện cha mẹ thường chú trọng dạy con các kỹ năng sống, biết chia sẻ, biết hợp tác… nhưng nhiều gia đình chưa thực sự quan tâm đến dạy trẻ phòng tránh bị xâm hại, bạo lực cũng như bảo vệ bản thân trong tình huống xấu. Bất kỳ hành động nào có chủ ý gây tổn thương, nguy hại đến trẻ em đều là hành vi xâm hại trẻ. Vì vậy, dạy con các kỹ năng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em là việc mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng nên thực hiện càng sớm càng tốt. Để giảm thiểu nguy cơ cho con cái, bố mẹ cần dạy con cách phòng, chống xâm hại qua các kỹ năng cơ bản. Sự đề cao cảnh giác và trách nhiệm của mỗi gia đình chính là điều quan trọng nhất nhằm bảo vệ trẻ em khỏi các vấn nạn xâm hại, bạo lực trẻ em.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chung tay bảo vệ trẻ em

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.