(HNM) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022. Thông tin nhận được sự quan tâm và đồng thuận của dư luận là phương án thi và tuyển sinh giữ ổn định như năm 2021.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 là chưa có tiền lệ khi phải thi thành hai đợt để bảo đảm quyền lợi thí sinh. Trong khi đó, kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021 cũng có sự điều chỉnh, căn cứ theo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và diễn biến của dịch bệnh. Từ những kinh nghiệm này cũng như tình hình dịch Covid-19 vẫn khó lường như hiện nay, việc công bố sớm phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022 là phù hợp, giúp các nhà trường, đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh chủ động trong từng phần việc liên quan.
Hiện nay, vấn đề được quan tâm nhất là công tác dạy và học của học sinh lớp 12. Năm học 2021-2022 hiện đã đi qua được hơn một tháng, nhưng học sinh lớp 12 ở 31 tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội) vẫn phải học trực tuyến và qua truyền hình để bảo đảm phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, trước mắt, ngoài việc nỗ lực khắc phục khó khăn, các nhà trường, nhất là đội ngũ giáo viên, cần tổ chức dạy học hiệu quả, truyền đạt được những kiến thức căn bản, bám sát chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để nhắc nhở các học sinh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe để trở lại trường khi cấp có thẩm quyền cho phép.
Điểm thuận lợi là, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định một đợt thi tốt nghiệp trung học phổ thông thống nhất trên toàn quốc trong điều kiện bình thường. Nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp thì sẽ xem xét điều chỉnh thời gian tổ chức thêm đợt thi cho những địa phương chưa hoàn thành tổ chức thi. Sự chủ động từ sớm này đặt ra yêu cầu với các tỉnh, thành phố là phải nêu cao vai trò chủ trì, chịu trách nhiệm toàn bộ công tác tổ chức thi tại địa phương mình diễn ra an toàn, đúng quy định. Đặc biệt, căn cứ phương án thi và tuyển sinh, các địa phương cần phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Y tế xây dựng các kịch bản ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, thiên tai…
Các phần việc chuyên môn cũng cần được chú trọng, như: Ban hành quy chế thi; xây dựng ngân hàng câu hỏi thi; xây dựng cấu trúc và định dạng đề thi; kế hoạch thanh tra, kiểm tra... để cùng các địa phương tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan, công bằng. Một vấn đề khác cần lưu ý là, trong điều kiện công nghệ phát triển, việc chống gian lận thi cử cần tiếp tục đặt ra với yêu cầu cao hơn, đòi hỏi hành động quyết liệt của các bên tham gia, ở tất cả các khâu của kỳ thi.
Trong công tác tuyển sinh, với tinh thần tăng cường tự chủ và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh là yêu cầu cần thiết. Ngoài kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông như là bước sàng lọc, các trường đại học có thể nghiên cứu thêm hình thức sát hạch, tuyển chọn để phân loại tốt hơn đối tượng tuyển sinh. Vì không phải là quy định bắt buộc, nên phần việc này chỉ triển khai khi các trường chuẩn bị đầy đủ điều kiện, công bố sớm, rộng rãi trong đề án tuyển sinh, từ đó bảo đảm quyền lợi thí sinh.
Chủ động từ sớm là điều kiện tiên quyết để tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.