(HNM) - Dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã hoàn thành “nhiệm vụ kép”, vừa tích cực thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn trường học; vừa khắc phục khó khăn, hoàn thành chương trình giáo dục học kỳ 1 năm học 2021-2022 theo đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục, đào tạo.
Phải khẳng định, mặc dù đã có kinh nghiệm từ năm học 2020-2021, nhưng việc phải dạy học trực tuyến ngay khi bước vào năm học 2021-2022 và kéo dài cả một học kỳ đã nảy sinh nhiều vấn đề chưa có tiền lệ cần giải quyết. Tuy vậy, với quyết tâm dạy tốt, học tốt ngay từ đầu năm học trên tinh thần “học sinh tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng như các cấp, ngành, địa phương, các bậc phụ huynh đã chung sức, đồng lòng sát cánh cùng đội ngũ giáo viên và các học sinh hoàn thành học kỳ 1 bảo đảm mục tiêu, chất lượng giáo dục.
Đặc biệt, việc triển khai các hình thức học tập trực tiếp hay trực tuyến đều rất linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng địa phương, nhà trường và tâm sinh lý lứa tuổi, không tạo áp lực, bảo đảm việc tiếp cận tri thức thuận lợi nhất cho học sinh. Ngoài ra, các địa phương cùng các nhà trường đã có giải pháp kết nối nguồn lực hỗ trợ giáo viên, học sinh ở địa bàn khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập để thực hiện hiệu quả việc dạy, học trực tuyến.
Hiện nay, học sinh các cấp học của thành phố Hà Nội đã bước vào học kỳ 2 năm học 2021-2022 và hầu hết vẫn học trực tuyến. Thực tế này đòi hỏi ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô cùng các địa phương, các bậc phụ huynh tiếp tục chủ động đồng hành, hỗ trợ đội ngũ giáo viên và các học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
Qua kinh nghiệm từ học kỳ 1, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch học kỳ 2 năm học 2021-2022 phù hợp với tình hình dịch Covid-19 tại từng địa phương. Trong đó, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, phối hợp với ngành Y tế chủ động xây dựng các kịch bản, giải pháp ứng phó với tình huống dịch bệnh, như việc có thể điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học; lịch thi học kỳ, thi vào lớp 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông… Đặc biệt, các nhà trường cần bám sát diễn biến dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn dịch bệnh tại trường, lớp học để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường khi cấp thẩm quyền cho phép. Làm sao để trong mọi tình huống đều có thể triển khai thực hiện hiệu quả các phương án, kịch bản phù hợp.
Về công tác dạy học, đối với các nhà trường đang có các khối lớp học sinh học trực tiếp, cần tận dụng “thời gian vàng” này để củng cố, truyền thụ kiến thức cho học sinh. Đối với việc dạy học trực tuyến, cần tiếp tục phát huy những mặt tích cực, những kinh nghiệm tốt đã có, xử lý kịp thời các vấn đề tâm lý của học sinh khi học trực tuyến kéo dài. Quan trọng nhất là bảo đảm không làm gián đoạn việc học tập của học sinh. Trong quá trình triển khai, các trường lưu ý lựa chọn nội dung học tập phù hợp với học sinh trên địa bàn, những nội dung chưa thể triển khai có thể thực hiện bổ sung khi học sinh quay trở lại trường học.
Việc dạy, học trong bối cảnh dịch Covid-19 dự báo sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn, do đó cần sự chủ động, linh hoạt và thích ứng trong mọi tình huống để bảo đảm quyền lợi được học tập của học sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.