(HNM) - Nhà ống là loại hình phù hợp với đô thị và thường được các gia đình ở mặt phố lớn dùng để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Ở Hà Nội cũng vậy, toàn thành phố hiện có khoảng 500.000 nhà ống, trong đó 120.000 nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, loại hình nhà ống đã và đang bộc lộ nhiều nhược điểm đáng lo ngại trong công tác phòng cháy, chữa cháy, khi cháy xảy ra thì việc cứu nạn, cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn. Vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ngày 4-4 vừa qua tại nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa) tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ống.
Thực tế, hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy ở địa bàn dân cư nói chung và loại hình nhà ống không là câu chuyện mới, đã được đề cập nhiều lần. Đó là tình trạng không có giải pháp, biện pháp phòng cháy của gia đình ngay từ khâu thiết kế đến khi đưa vào sử dụng. Sự khép kín, không làm lối thoát nạn vì lý do bảo đảm an ninh của loại hình nhà ống cũng là nguyên nhân gây ra hậu quả nghiêm trọng một khi xảy cháy mà không được phát hiện từ sớm.
Đáng lưu ý, Nghị định số 136/ 2020/NĐ-CP ngày 24-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy quy định: Hộ gia đình phải có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan với khu vực sinh sống. UBND cấp phường có trách nhiệm kiểm tra, yêu cầu hộ dân thực hiện nội dung này. Trên thực tế, quy định này có hiệu lực từ tháng 1-2021, nhưng chưa nhiều nơi triển khai, hoặc gặp khó khăn khi lực lượng công an cơ sở hạn chế về nhân lực và còn vướng mắc liên quan đến quyền sở hữu tài sản của người dân.
Để không rơi vào cảnh “mất bò mới lo làm chuồng”, việc cần làm ngay đối với tất cả các gia đình có nhà ống vừa để sinh hoạt, vừa làm nơi sản xuất, kinh doanh là cần nâng cao nhận thức, rà soát các yêu cầu phòng cháy để có biện pháp phòng ngừa từ sớm.
Với những ngôi nhà chuẩn bị xây mới hoặc cải tạo, người dân cần chú ý trong thiết kế xây dựng, ngoài cửa chính nhất thiết phải bố trí một lối thoát hiểm khác bảo đảm thuận tiện, có thể là ở tầng tum, ban công, hoặc cửa thoát sang nhà hàng xóm... Bên cạnh đó là quan tâm trang bị thiết bị cứu hỏa cho hộ gia đình và có giải pháp kiểm soát nguồn nhiệt, nguồn điện, ngay cả khi không sử dụng. Với những căn nhà có khu vực chứa hàng, nhất là hàng dễ cháy, nhất thiết phải gắn thiết bị cảnh báo cháy từ sớm.
Về vai trò của chính quyền cơ sở, đặc biệt là khi Nghị định số 136/2020/NĐ-CP đã có hiệu lực, việc quản lý phòng cháy với loại hình nhà ở riêng lẻ được giao cho UBND cấp xã thì trách nhiệm của lực lượng công an sở tại, đội ngũ cán bộ tổ dân phố rất quan trọng. Theo đó, công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, nhắc nhở cần trở thành việc làm thường xuyên, liên tục, gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cá nhân được giao quản lý địa bàn. Đồng thời, hình thành các tổ liên gia tự quản về bảo đảm an ninh trật tự, trong đó coi trọng vấn đề tổ chức phòng cháy, chữa cháy ngay từ cơ sở.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cũng cần thường xuyên đưa ra cảnh báo, phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức tập huấn cho người dân có nhà ống để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh các phương án ngăn ngừa cháy; từ đó, chủ động giải pháp phòng ngừa, không để hậu quả đáng tiếc xảy ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.