(HNM) - Tháng 7 là tháng trọng tâm của mùa mưa, bão, lũ. Trong tháng có khả năng chịu ảnh hưởng của 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.
Sở NN&PTNT Hà Nội khuyến cáo các địa phương, nông dân:
Đối với cây trồng, bảo vệ thực vật
- Tập trung cấy lúa mùa xong cơ bản trước 5-7; kiểm tra, chăm sóc bảo vệ diện tích mạ dự phòng để sử dụng khi úng, lụt xảy ra. Chăm sóc, bón thúc cho lúa mùa.
- Chủ động các phương án phòng, chống úng và hạn cục bộ cho các cây trồng. Phòng chống mưa, bão làm đổ cây, gẫy cành, rụng quả cây có múi, đốn tỉa bớt cành cây bóng mát, cây xanh đô thị để hạn chế đổ gãy.
- Chuẩn bị giống, vật tư để gieo trồng các loại rau màu vụ thu đông, vụ đông sớm như: Ngô, cà chua, lạc dưa chuột, su hào, cải bắp,…
- Thu hoạch vải thiều, nhãn chín sớm, cắt tỉa cành, làm vệ sinh, chăm sóc vườn vải, nhãn sau thu hoạch. Khai thác măng che, thu hái chè búp chính vụ.
- Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi và tổ chức phòng trừ kịp thời các đối tượng sinh vật gây hại. Chú ý phòng trừ ốc bươu vàng, sâu cuốn lá hại lúa; bọ xít, sâu đục cành, sâu đục cuống, quả, nhện lông nhung hại nhãn, vải; bệnh đốm lá, bệnh chấm xám, tóc đen hại chè; đốm lá, sâu đục nụ hại cây hoa hồng, hoa cúc;…
Đối với chăn nuôi thú y
- Tăng cường kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng và tiếp tục các biện pháp chống nắng, nóng, có các phương án phòng chống bão, lụt, phương án di dời bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.
- Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, môi trường, chú ý đến vùng ngập úng và vùng phân lũ.
Đối với thủy lợi
- Các địa phương theo dõi thông báo diễn biến của các cơn bão, mực nước trên các sông liên quan đến khu vực. Tổ chức kiểm tra chặt chẽ các tuyến đê, kè, cống, đập, hồ chứa nước để khắc phục kịp thời các sự cố, nắm vững tình hình các công trình thủy lợi trong khi mưa, bão xảy ra. Đề phòng các trận bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ bất thường gây nên mưa úng diện rộng và úng ngập cục bộ.
- Chủ động các phương án ứng phó với bão, lụt, úng khi tình hình mưa bão kéo dài nhiều ngày liên tiếp làm sạt lở mái đê, kè hồ, đập… Tăng cường phổ biến rộng rãi các kiến thức về cách phát hiện và xử lý ban đầu các sự cố công trình cho nhân dân vùng trực tiếp có đê, kè, cống. Xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho người, tài sản của nhà nước và nhân dân khi có mưa lớn gây úng ngập; lập kế hoạch cụ thể về cây, con, giống dự phòng, phục hồi sản xuất sau khi nước rút.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.