(HNM) - Trong 10 năm qua, cả nước chỉ có 16 giống hoa, giống rau mới được công nhận. Trước thực trạng này, yêu cầu đặt ra cho Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung là phải chủ động nguồn giống rau, hoa chất lượng cao để bảo đảm phát triển sản xuất hiệu quả.
Tây Tựu vốn là “vựa hoa” của Hà Nội, song hầu hết chủ vườn hoa tại đây cho biết, các giống hoa đang trồng chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài. Chị Trần Tú Anh - chủ vườn hoa Tú Anh ở phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) chia sẻ: “Gia đình tôi trồng chủ lực là hoa ly và hoa hồng, nguồn giống đều nhập khẩu từ châu Âu. Dù giá thành nhập khẩu hạt giống, củ giống cao nhưng chất lượng hoa đẹp nên gia đình tôi vẫn chọn”.
Không chỉ giống hoa, hiện nay, nhiều giống rau cũng được người dân nhập khẩu từ các nước. Bà Khúc Thị Kim Dung ở xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì) là một trong những hộ trồng rau quy mô lớn của xã cho biết: Tại những ruộng rau của gia đình bà, ngoài sử dụng giống cà chua do Học viện Nông nghiệp Việt Nam sản xuất, còn lại toàn bộ các loại rau: Bắp cải, su hào, xà lách, rau cải… đều là giống nhập khẩu.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ nhận định: Hà Nội là địa phương có nhiều lợi thế trong sản xuất giống rau, hoa..., song đến nay, 80% giống rau, hoa trên địa bàn thành phố nhập khẩu từ nhiều nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Hà Lan… Thực tế, nhiều doanh nghiệp giống cây trồng chỉ tập trung nhập khẩu giống về đóng gói hoặc sản xuất gia công hạt giống để kinh doanh; rất ít doanh nghiệp trực tiếp làm công tác nghiên cứu, lai tạo giống mới...
Không chỉ Hà Nội mà nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước, việc nhập khẩu giống hoa, giống rau cũng phổ biến. Tại tỉnh Lâm Đồng, theo ông Trương Ðức Phú, Giám đốc Công ty cổ phần Cây giống Cao Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết: Hiện có đến 90% giống rau, giống hoa trên địa bàn được nhập khẩu từ hơn 20 quốc gia trên thế giới.
Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Việt, mỗi năm, Việt Nam chi khoảng 500-700 triệu USD để nhập giống cây trồng các loại; riêng nhập khẩu giống rau khoảng 70-90 triệu USD/năm. “Dù các viện nghiên cứu, trường đại học tại Việt Nam được đánh giá không thua kém các nước trong khu vực, song việc sản xuất giống vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân chính là lĩnh vực nghiên cứu giống chưa được quan tâm đúng mức; nhiều giống được nghiên cứu thành công nhưng chất lượng và giá cả khó cạnh tranh với giống nhập khẩu...” ông Nguyễn Văn Việt nhìn nhận.
Để tháo gỡ khó khăn nhằm chủ động được nguồn giống chất lượng bảo đảm phục vụ sản xuất trong nước, Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các đơn vị, doanh nghiệp nghiên cứu, hoạt động lĩnh vực này cần nhạy bén với thị trường. Trong đó, cần có cuộc cách mạng trong tổ chức, quản lý, đầu tư cho nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, thương mại hạt giống; gắn các viện nghiên cứu với doanh nghiệp; thành lập các bộ phận nghiên cứu trong công ty và công ty trong viện nghiên cứu. Cùng với đó là tổ chức tốt hệ thống sản xuất hạt giống cộng đồng - có sự tham gia của người dân với hướng dẫn của các nhà khoa học…
Trong khi đó, theo Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, các bộ, ngành cần xây dựng hành lang pháp lý nhằm quản lý khoa học việc nhập khẩu, kinh doanh giống. Song hành, tập trung đầu tư nguồn lực về vật chất và con người đáp ứng yêu cầu phát triển lĩnh vực này. Kinh doanh giống cây trồng cũng là lĩnh vực tạo lợi nhuận cao, bởi vậy, ngành Nông nghiệp nên coi như một “mắt xích” quan trọng trong chiến lược phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.