Nghị quyết và Cuộc sống

Ươm mầm “hạt giống đỏ”: Từ chủ trương mới đến cách làm sáng tạoBài cuối: Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên

Đình Hiệp thực hiện 29/09/2023 - 06:09

Từng nhiều năm nghiên cứu về công tác xây dựng Đảng, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, đánh giá cao ý nghĩa lý luận cũng như thực tiễn của Đề án số 20-ĐA/TU ngày 24-10-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới”, coi đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên, có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng.

PGS.TS Vũ Văn Phúc đồng thời chỉ ra những giải pháp cần thiết để thực hiện nhiệm vụ này đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới.

khai-giang.jpg
Lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho các học sinh xuất sắc do Trung tâm Chính trị huyện Mê Linh tổ chức, tháng 7-2023. Ảnh: Nguyễn Tuyền

- Trước hết, xin đồng chí đánh giá về ý nghĩa của Đề án số 20-ĐA/TU đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội giai đoạn mới hiện nay?

- Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 16-6-2022 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới đã nêu rõ: “Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, liên tục, là trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, đảng viên”, “đội ngũ đảng viên là nhân tố quyết định năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Đồng thời xác định: “Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác kết nạp đảng viên”, tăng về số lượng, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng phát triển đảng viên.

Trên cơ sở đó, Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” cũng xác định: “Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở Đảng bộ thành phố Hà Nội thực sự gương mẫu, tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực và uy tín; chuẩn hóa về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ được giao, là tấm gương sáng về đạo đức, phong cách và nét đẹp văn hóa ứng xử của công dân Thủ đô...”.

Do vậy, việc Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Đề án số 20-ĐA/TU là một yêu cầu tất yếu, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của thành phố trong tình hình mới hiện nay.

- Phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên không chỉ là vấn đề xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác xây dựng Đảng mà còn là một quy luật tất yếu khách quan của sự nghiệp cách mạng. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai nhiệm vụ này còn không ít khó khăn, thưa đồng chí?

- Nhìn chung, công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên những năm gần đây được cấp ủy quan tâm, chú trọng. Từ nhận thức sâu sắc về vai trò của công tác phát triển đảng viên trong học sinh, sinh viên, cấp ủy chủ động rà soát, đánh giá, phân tích chất lượng quần chúng và xây dựng kế hoạch tạo nguồn phát triển đảng viên trong các trường học trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, một số cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu chưa dành sự quan tâm đúng mức trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để làm tốt công tác bồi dưỡng quần chúng ưu tú, tạo nguồn kết nạp đảng viên trong học sinh, sinh viên. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa kịp thời rà soát nguồn quần chúng ưu tú có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để bồi dưỡng xem xét kết nạp vào Đảng.

Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, một bộ phận học sinh, sinh viên trong trường học có nhận thức chính trị còn hạn chế, chưa giác ngộ mục tiêu, lý tưởng, động cơ phấn đấu vào Đảng chưa thực sự đúng đắn. Hiệu quả hoạt động của một số tổ chức Đảng trong trường học chưa cao; vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đối với các tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế; hình thức và nội dung sinh hoạt ở một số chi bộ còn sơ sài, qua loa, chiếu lệ, lúng túng, chất lượng thấp.

Một số chi bộ trường trung học phổ thông nhiều năm liền chưa kết nạp được đảng viên là học sinh; việc phân công đảng viên giúp đỡ phát hiện quần chúng ưu tú vào Đảng, thực hiện thủ tục kết nạp đảng viên đối với học sinh trong các trường trung học phổ thông còn nhiều bất cập; việc thẩm tra, xác minh lý lịch gặp khó khăn về thời gian, kinh phí; việc lập hồ sơ đề nghị kết nạp đảng viên còn có sai sót.

- Từ thực tiễn cho thấy, việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy, bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho đối tượng kết nạp Đảng là một giải pháp quan trọng để Hà Nội triển khai hiệu quả Đề án số 20-ĐA/TU. Đồng chí đánh giá như thế nào về quan điểm này?

- Để quần chúng, đối tượng kết nạp vào Đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng thì phải kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo, bồi dưỡng chính trị với rèn luyện, thử thách trong thực tiễn. Đây là mối quan hệ biện chứng giữa sự tác động khách quan của tổ chức Đảng “đào tạo, bồi dưỡng chính trị” với sự nỗ lực chủ quan của quần chúng “rèn luyện, thử thách trong thực tiễn”.

Trong mối quan hệ này không tách bạch mà có tác động biện chứng với nhau: Trong “đào tạo, bồi dưỡng chính trị” cần có sự chủ động, tích cực tiếp thu, hấp thụ chủ quan của bản thân quần chúng và trong “rèn luyện, thử thách trong thực tiễn” cần có sự định hướng, dìu dắt, kèm cặp, kiểm tra, giám sát, đánh giá, xác nhận, động viên của tổ chức Đảng...

Vì thế, để nâng cao bản lĩnh chính trị cho quần chúng ưu tú, trung kiên trước khi kết nạp Đảng và sau khi trở thành đảng viên dự bị thì việc đào tạo, bồi dưỡng chính trị và rèn luyện, thử thách trong thực tiễn có vai trò quan trọng ngang nhau; và hai mặt này cần được kết hợp chặt chẽ, hiệu quả trong mối quan hệ biện chứng thống nhất hai mặt, không thể thiếu mặt nào.

- Vậy để nâng cao chất lượng kết nạp Đảng cũng như xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TƯ (khóa XIII), thành phố Hà Nội cần chú trọng những giải pháp nào, thưa đồng chí?

- Theo tôi, Đảng bộ thành phố Hà Nội cần chú trọng 6 giải pháp.

Một là, cấp ủy, tổ chức Đảng và hệ thống chính trị cơ sở thường xuyên giáo dục nâng cao nhận thức cho quần chúng ưu tú, đặc biệt là học sinh, sinh viên về vai trò, ý nghĩa của việc học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị. Mỗi quần chúng ưu tú được kết nạp sẽ trở thành “hạt giống đỏ” của Đảng. Do đó, phải đề cao hơn nữa vai trò, ý thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong định hướng chính trị cho quần chúng, bởi đây là cơ sở hàng đầu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng bồi dưỡng, học tập lý luận chính trị, khắc phục tình trạng lười học tập lý luận chính trị của quần chúng hiện nay.

Hai là, phát huy tinh thần tích cực, tự giác học tập lý luận chính trị của quần chúng ưu tú, bản thân mỗi quần chúng ưu tú, trung kiên phải tự ý thức được tinh thần, trách nhiệm, thấy được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, trong đó có học tập lý luận chính trị. Nội dung học tập của quần chúng phải toàn diện, từ lý luận chính trị, bổ sung kiến thức chuyên môn cần thiết đến rèn luyện phương pháp, kỹ năng rèn luyện, hoạt động trong phong trào thực tiễn; học tập trong trường, lớp và học tập từ thực tế công việc, cuộc sống và học hỏi nhân dân.

Ba là, kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa đào tạo, bồi dưỡng chính trị với rèn luyện, thử thách quần chúng trong các hoạt động, các phong trào thực tiễn. Cấp ủy, lãnh đạo các cấp cần thường xuyên chăm lo thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho quần chúng trung kiên, nhất là đối tượng đoàn viên thanh niên, học sinh trung học phổ thông… thông qua các hình thức như học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bốn là, thông qua các phong trào hành động cách mạng trong thực tiễn mà rèn luyện, thử thách quần chúng trẻ. Các tổ chức Đoàn thanh niên, Công đoàn, hệ thống chính trị cơ sở thường xuyên có các phong trào như “Tuổi trẻ xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”… Qua các phong trào, hoạt động thực tiễn nhằm phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, năng động, sáng tạo của tuổi trẻ để giải quyết các vấn đề mà người dân quan tâm.

Năm là, sửa đổi, bổ sung khung nội dung, chương trình bồi dưỡng đối tượng kết nạp vào Đảng và bồi dưỡng đảng viên mới cho học sinh, sinh viên theo hướng giảm tải nội dung, tập trung vào những vấn đề cơ bản nhất về Đảng, tiêu chuẩn, điều kiện xét kết nạp, nhiệm vụ của đảng viên, tính tiên phong gương mẫu, những điều đảng viên không được làm, nhất là xác định đúng đắn động cơ của người xin vào Đảng. Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho tổ chức Đảng cấp dưới trong công tác tạo nguồn, phát hiện nguồn và công tác kết nạp đảng viên bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, nguyên tắc, quy trình, hồ sơ, thủ tục theo quy định.

Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về công tác tạo nguồn phát triển đảng viên ở trường học, nhất là về việc thực hiện quy trình, thủ tục kết nạp đảng viên; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục triệt để tình trạng kết nạp đảng viên chỉ chạy theo số lượng, mà xem nhẹ tiêu chuẩn, điều kiện. Biểu dương, khen thưởng đối với cấp ủy, tổ chức Đảng có thành tích cao trong công tác phát triển đảng viên là học sinh, sinh viên.

Bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới từ nguồn học sinh, sinh viên là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên, có tính quy luật trong công tác xây dựng Đảng, góp phần tăng thêm sinh lực cho Đảng, làm cho tổ chức Đảng ngày càng lớn mạnh, trực tiếp bổ sung, trẻ hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên và nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng. Để công tác này thật sự chất lượng, hiệu quả, cấp ủy, tổ chức Đảng cần thực hiện tốt từng khâu, từng bước, chặt chẽ, nghiêm túc, từ công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp đến giúp đỡ đảng viên dự bị trở thành đảng viên chính thức.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ươm mầm “hạt giống đỏ”: Từ chủ trương mới đến cách làm sáng tạo Bài cuối: Nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, thường xuyên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.