(HNM) - Một việc khó, mới, chưa có tiền lệ đã được Trung ương thực hiện đó là quy hoạch Ban Chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.
Sau sự kiện này, lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp đầu tiên cũng chính thức khai giảng tại Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh vào cuối tháng 3 vừa qua, thể hiện quyết tâm của Đảng ta: Đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ.
Năm 2012, Ban Tổ chức TƯ đã thực hiện được một nhiệm vụ hết sức có ý nghĩa, chủ trì phối hợp với các cơ quan giúp Ban chỉ đạo tham mưu cho Bộ Chính trị xây dựng Đề án "Quy hoạch Ban Chấp hành TƯ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo" trình Hội nghị TƯ 6 (khóa XI). Đây là công việc khó, chưa có tiền lệ, đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ và tâm huyết. Do vậy, Ban Tổ chức TƯ đã phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, tổ chức đảng, tranh thủ ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, đồng thời tổ chức hơn 10 cuộc hội thảo, làm cơ sở xây dựng Đề án. Kết quả, sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, Đề án đã được đệ trình, được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành TƯ thông qua và đánh giá cao.
Theo Ủy viên BCT, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Tổ chức TƯ Tô Huy Rứa, Đề án nhằm chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, gắn kết, liên thông giữa quy hoạch cán bộ cấp chiến lược với quy hoạch cán bộ các cấp. Qua triển khai, Đề án nhằm phát hiện cán bộ có tài năng lãnh đạo, quản lý, trưởng thành từ thực tiễn để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, chuẩn bị nguồn cán bộ dồi dào đáp ứng nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài. Cùng với nhiệm vụ quan trọng này, Ban Tổ chức TƯ đã trình Bộ Chính trị thông qua quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy, cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội. Ban đã nghiên cứu quy định về thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cán bộ; xây dựng tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ; chủ động rà soát trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, kết luận nhiều chủ trương quan trọng về công tác cán bộ, nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong đánh giá, quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, chính sách cán bộ.
Ngay sau khi được TƯ thông qua, việc cụ thể hóa các mục tiêu của Đề án nhanh chóng được triển khai. Lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp đầu tiên (khóa I) được khai giảng, chính là một việc làm cụ thể thực hiện Đề án. 68 cán bộ học viên khóa đầu tiên gồm có 21 người là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành TƯ Đảng (6 người đang công tác tại các cơ quan TƯ, 15 người công tác tại các tỉnh, thành phố), 10 cán bộ các bộ, ban, ngành TƯ và 37 cán bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ. Theo đồng chí Tô Huy Rứa, mục tiêu của lớp bồi dưỡng nói riêng và công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ của Đảng ta hiện nay là: Phải đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện được những "hiền tài" của đất nước, vừa có "tâm" vừa có "tài"; có nhân cách và phong cách cán bộ cách mạng; hội tụ cả năng lực tư duy và năng lực hoạt động thực tiễn, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ to lớn, phức tạp trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH. Trong khóa học, các học viên được nghiên cứu thành tựu khoa học mới nhất liên quan đến những vấn đề cốt lõi, những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở nước ta, nhất là những quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách đặt ra trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020; các vấn đề xây dựng Đảng cầm quyền, xây dựng và quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; các vấn đề lý luận, kỹ năng, phương pháp công tác của người cán bộ lãnh đạo cao cấp...
Không chỉ rèn luyện trình độ, tài năng, lớp học còn chú trọng rèn luyện đạo đức, tác phong cán bộ. Trưởng ban Tổ chức TƯ Tô Huy Rứa cho biết: Vì đối tượng học viên là cán bộ dự nguồn quy hoạch lãnh đạo chủ chốt của các địa phương, bộ, ban, ngành TƯ, do vậy, việc học tập và rèn luyện đạo đức cách mạng theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất thiết phải được thực hiện một cách nghiêm túc, công phu và thấu đáo; thể hiện ở mọi lúc, mọi nơi, cả trong các buổi học trên lớp, cả trong sinh hoạt hằng ngày, trong các chuyến đi thực tế cũng như nhiều hoạt động khác của lớp. Đặc biệt, trên cơ sở tổ chức, chỉ đạo lớp học, Ban Tổ chức TƯ sẽ chủ động đánh giá chất lượng cán bộ được quy hoạch thông qua lăng kính trực tiếp và gần gũi nhất.
Có thể nói, qua khai giảng lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ cao cấp đầu tiên cho thấy, sự chủ động theo tinh thần của Đề án đã được thể hiện cao độ ở cách tổ chức, quản lý lớp học, lựa chọn nội dung và phương pháp giảng dạy, học tập cũng như sự chỉ đạo sát sao của Ban Tổ chức TƯ. Sau lớp học này, chắc chắn sẽ còn có thêm các lớp học tiếp theo, khẳng định quyết tâm đổi mới đồng bộ các khâu của công tác cán bộ và chủ động nguồn cán bộ cấp chiến lược của Đảng ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.