(HNM) - Tính từ 7h ngày 23-1-2020 đến 7h ngày 26-1-2020 đã có 910 trường hợp khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hóa, trong đó có 221 ca ngộ độc thức ăn tự chế biến. Riêng tại Hà Nội, trong 6 ngày nghỉ Tết (từ 23-1-2020 đến 28-1-2020), các bệnh viện đã khám 17 trường hợp bị rối loạn tiêu hóa… Trong khi đó, nhiều người già, người bị bệnh mạn tính cũng phải nhập viện do ảnh hưởng từ sự bất thường của thời tiết trong những ngày qua… Có lẽ, những con số này không còn là chuyện lạ bởi chúng vẫn thường lặp lại sau mỗi kỳ nghỉ Tết ở nước ta.
Không khó để thấy vì sao lại có con số trên. Thực tế trong dịp Tết, sự đảo lộn trong chế độ ăn uống, ngủ nghỉ của hầu hết gia đình là khá phổ biến vì muốn được “thả lỏng” hơn so với ngày thường. Không chỉ đảo lộn về thời gian, bữa ăn ngày Tết còn bị thay đổi cơ bản khi có nhiều đồ ăn giàu chất đạm, chất béo, chưa kể, phần lớn đồ ăn là thực phẩm chế biến sẵn, được tích trữ nhiều ngày… Do đặc thù ngày Tết nên xen giữa các bữa ăn chính, nhiều người còn nhâm nhi bánh kẹo, các loại hạt, uống rượu, bia… Trong khi đó, việc ăn rau xanh, uống nước trong những ngày này lại thường bị xem nhẹ, thậm chí bỏ qua, khiến sức khỏe của nhiều người bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt với người già, người bị bệnh mạn tính và trẻ nhỏ…
Sự đảo lộn về chế độ sinh hoạt, ăn uống khiến cuộc sống mất cân bằng lặp lại từ Tết năm này qua Tết năm khác, thành ra chuyện “biết rồi, nói mãi” vẫn còn điều để nói. Để không có những gánh nặng bệnh tật sau mỗi dịp Tết, mỗi người, mỗi nhà chủ động hơn trong việc cân bằng chế độ dinh dưỡng và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Theo đó, những thói xấu, gây hại cho sức khỏe của con người trong những ngày Tết cần được điều chỉnh. Ngoài những thực phẩm phổ biến trong dịp Tết như bánh chưng, thịt gà, thịt đông… thì cần cân đối thực phẩm, tăng cường sử dụng hoa quả, rau củ đi kèm. Đặc biệt, cần hạn chế sử dụng thực phẩm chế biến sẵn và nên xóa bỏ hẳn thói quen tích trữ thực phẩm lâu ngày. Mỗi bữa ăn cần làm đủ ăn, không để thừa mứa, gây lãng phí thực phẩm.
Bên cạnh đó, dù thả mình vào trạng thái “tự do” trong những ngày nghỉ, cũng không quên những nguyên tắc cơ bản trong cuộc sống như: Tăng cường vận động, thể dục đều đặn; uống rượu, bia có chừng mực… Với gia đình có trẻ nhỏ, người già và người bị bệnh mạn tính, việc chăm sóc sức khỏe những đối tượng này cần được chu toàn hơn.
Kỳ nghỉ Tết đã qua, nhưng những ngày tới vẫn là chuỗi ngày của nhiều lễ hội nên việc ăn uống, chế độ sinh hoạt của nhiều gia đình vẫn có thể bị đảo lộn. Do đó, mỗi gia đình cần chủ động kế hoạch để không ảnh hưởng đến sức khỏe các thành viên; nói không với thực phẩm bẩn, thức ăn đường phố mất vệ sinh… Rất nên tham khảo hướng dẫn từ các chuyên gia để có chế độ dinh dưỡng bù lại sự mất cân bằng trong những ngày nghỉ Tết.
Đặc biệt, hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona gây ra đang có nguy cơ lan rộng; thêm nữa, đang vào mùa lễ hội, sự giao thương, đi lại của người dân giữa các vùng - miền, các quốc gia, vùng lãnh thổ gia tăng, cộng thêm yếu tố ẩm lạnh của thời tiết là những tác nhân có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm. Do đó, mỗi người cần có ý thức hơn trong việc giữ gìn sức khỏe để tăng sức đề kháng cho cơ thể trước dịch bệnh nguy hiểm này.
Chuyện ăn uống, ngủ nghỉ trong dịp Tết, mỗi người đều có thể chủ động. Chỉ khi giữ nhịp cân bằng trong cuộc sống, bệnh tật mới không có cơ hội tấn công sau mỗi dịp Tết cổ truyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.