Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động “đón” người tài

Người Lái Đò| 01/04/2012 06:36

(HNM) - Ngay sau khi tiểu thuyết giả tưởng "Cuộc chiến với hành tinh Fantom" ra đời, gia đình cậu bé Nguyễn Bình (10 tuổi), tác giả cuốn sách đã ý thức việc đăng ký bản quyền cho tác phẩm.

Nhưng nghiên cứu kỹ Luật Sở hữu trí tuệ mới sửa đổi thấy không nói gì đến trường hợp "chủ sở hữu trí tuệ" còn đang ngồi ghế tiểu học. Thủ tục đăng ký bản quyền lại đòi hỏi phải có chứng minh thư nhân dân hoặc hộ chiếu. Chứng minh thư thì chưa đủ tuổi để làm, hộ chiếu thì… bỗng dưng không có sẵn. Cán bộ làm thủ tục nhiệt tình đấy, nhưng đã là luật thì phải tuân thủ.

Những tài năng nhỏ tuổi trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật xưa nay không phải không có. Lịch sử dân tộc đã ghi nhận nhiều danh nhân có tài ứng đáp, sáng tác văn chương từ lúc tóc còn để chỏm. Đến những năm sáu mươi của thế kỷ trước, hiện tượng Trần Đăng Khoa là một ví dụ tiêu biểu về "thần đồng" văn học. Gần đây, những cây bút thiếu nhi thể hiện tài năng, triển vọng về thơ ca, văn xuôi, thậm chí là cả dịch sách bắt đầu xuất hiện dày hơn.

Như vậy, tài năng nhỏ tuổi là chuyện cũ, còn bản quyền áp dụng ở ta lại là câu chuyện mới. Cái mới đến sau, nhưng lại không chủ động đón được hiện tượng đã từng xảy ra. Đành rằng nhân tài "như lá mùa thu", lâu lâu mới xuất hiện và có những khoảng trống nhất định song rõ ràng là tình huống đăng ký bản quyền của Nguyễn Bình cho thấy sự lúng túng, bị động của ta trong việc đón trước tài năng nhỏ tuổi. Và dù cuối cùng gia đình Nguyễn Bình đã chuẩn bị giấy ủy quyền của cậu bé để có thể nhanh chóng hoàn thành việc đăng ký, thì câu chuyện này vẫn mở ra nhiều điều đáng nói.

Đất nước ngày một đổi mới, hội nhập mạnh mẽ. Đã có những cô bé 8 tuổi làm thơ, những cậu bé 10 tuổi viết tiểu thuyết, hoặc 11 tuổi dịch sách tiếng Anh đáng nể… Vậy thì, không loại trừ được khả năng sẽ có nhiều hơn những trẻ em không chỉ sáng tạo văn học, nghệ thuật mà còn có những phát minh bước đầu về nhiều lĩnh vực khác. Đăng ký bản quyền là cách để các em ý thức về quyền sở hữu trí tuệ của mình. Cũng từ đây mà mong xây dựng một xã hội tôn trọng bản quyền, tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ.

Trong khi đó, không phải gia đình nào cũng sẵn hiểu biết, có ý thức về vấn đề này, chưa nói gì đến đăng ký sở hữu trí tuệ cho trẻ em. Và nữa, luật pháp trong lĩnh vực này lại cũng chưa bao quát hết được những hiện tượng đã và có thể xảy ra…

Người tài, trong đó có những tài năng trẻ vốn xưa nay hiếm, thì lẽ hiển nhiên rằng phải làm tất cả những gì có thể để vun đắp nó ngày một phát triển hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chủ động “đón” người tài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.