(HNM) - Thực tế cho thấy, chủ động và tập trung cải thiện môi trường kinh doanh đã được Chính phủ, hệ thống cơ quan quản lý xác định là mục tiêu thường trực, chiến lược để phát triển kinh tế nhanh, bền vững.
Xuất phát từ thực tế và mục tiêu, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung cải cách, hướng tới những tiêu chí cụ thể. Kết quả, chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh được nâng cấp, tiến bộ hơn, thể hiện qua sự đồng thuận, ghi nhận của giới doanh nghiệp.
Theo báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 của các tổ chức quốc tế, Việt Nam tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn Kinh tế Thế giới bình chọn; tăng 14 bậc về chất lượng môi trường kinh doanh theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng 12 bậc về chỉ số đổi mới sáng tạo theo công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới. Đó là những kết quả và thứ hạng tốt nhất của Việt Nam từ trước đến nay.
Cùng với đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đi đầu trong việc cắt giảm hàng trăm điều kiện kinh doanh, những thủ tục lạc hậu, gây khó cho doanh nghiệp. Các bộ khác cũng có động thái tương tự và ở những mức độ khác nhau. Trong đó, đáng chú ý, Bộ Tài chính vừa đề xuất cắt bỏ 193 điều kiện kinh doanh - tức hơn 52% thủ tục và điều kiện kinh doanh hiện do ngành quản lý.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, điều quan trọng nhất là Chính phủ đã tỏ rõ sự quyết tâm và chủ động vào cuộc, chỉ đạo các đơn vị, địa phương chuyển động một cách đồng bộ, hình thành làn sóng hỗ trợ doanh nghiệp và hiện thực hóa phong trào khởi nghiệp. Thực tế này cũng được minh chứng rõ qua kết quả tăng trưởng GDP đạt 6,81% năm 2017 và đạt 7,38% trong quý I-2018. Ông Nguyễn Đình Cung cũng thẳng thắn nhận xét, kết quả cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh để hỗ trợ doanh nghiệp vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Về thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhắc nhở và yêu cầu từng cơ quan cần tự giác thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp; trong đó phải chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” để đưa chính sách vào cuộc sống. Về phía doanh nghiệp, phần lớn họ đều cho rằng, chất lượng môi trường kinh doanh đang có bước cải thiện đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn nữa, hướng vào tiêu chí cụ thể để phát triển sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị cấp có thẩm quyền cần rà soát, đôn đốc để hoàn thành mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh thuộc các ngành nghề kinh doanh có điều kiện ngay trong năm 2018. Trong khi đó, Nghị quyết 19-2018/NQ-CP ban hành ngày 15-5-2018 của Chính phủ nêu rõ, tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm 8-18 bậc trong bảng xếp hạng của WB; phấn đấu đến năm 2020 ngang bằng mức trung bình của các nước ASEAN 4.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh đều cần những hỗ trợ, hành động cụ thể từ cơ quan chức năng, trong đó cần tránh tình trạng cung cấp thiếu thông tin, hoặc tiếp nhận, xử lý vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp một cách chung chung. Đặc biệt, mỗi cán bộ, công chức khi giao tiếp, giải quyết công việc cho doanh nghiệp phải có tâm, có trình độ chuyên môn, sự ủng hộ thiết thực đối với doanh nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.