(HNM) - Bắt đầu thực hiện từ tháng 10-2017, đến nay đã có 51/55 bệnh viện công lập trực thuộc quản lý của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh thoát khỏi “bầu sữa ngân sách”, tự chủ tài chính toàn phần. Từ đây, nhiều đơn vị đã khởi sắc, mang lại thu nhập cao hơn cho cán bộ, công nhân viên.
Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP Hồ Chí Minh là một trong những bệnh viện công lập tiên phong thí điểm mô hình tự chủ tài chính toàn phần từ năm 2011. Qua 6 năm thực hiện tự cân đối thu chi, bằng nhiều giải pháp, đời sống cán bộ, công nhân viên đơn vị được nâng lên rõ rệt. Năm 2017, số lượt khám bệnh đạt 92.795 lượt người, tăng hơn 106% so với năm 2016. Lượng bệnh nhân điều trị nội trú năm 2017 cũng tăng 118% so với năm 2016.
Bác sĩ Nguyễn Đức Minh - Giám đốc Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP Hồ Chí Minh cho biết, riêng tổng thu năm 2017 đạt hơn 227 tỷ đồng, tăng 131% so với 2016. Nhờ tự chủ tài chính thành công, các cán bộ, nhân viên trình độ đại học có mức thu nhập bình quân trên 28 triệu đồng/tháng, trình độ trung học trên 19 triệu đồng/tháng.
Lợi nhuận tăng giúp bệnh viện có nguồn vốn tái đầu tư, trong đó đầu tư hơn 11 tỷ đồng mua thiết bị hiện đại như: Ghế nha khoa, giường bệnh nội trú, phòng mổ, máy chụp X-quang hiện đại. Nhờ vậy, tổng mức thưởng Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 cho người lao động trung bình đạt 40 triệu đồng/người. Đây là mức thưởng Tết thuộc tốp dẫn đầu trong hệ thống bệnh viện công lập tự chủ tài chính được công bố tính đến thời điểm này.
Trái ngược với Bệnh viện Răng Hàm Mặt TP Hồ Chí Minh là Bệnh viện Nhân dân 115. Tiến sĩ - bác sĩ Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 thừa nhận: Chuyển qua tự chủ tài chính toàn phần, thay vì được ngân sách hỗ trợ từ 30% đến 70% như trước đây, hiện đơn vị đang phải “gồng mình” để cân đối thu chi.
Mặc dù lượng bệnh nhân đông (mỗi ngày điều trị gần 2.000 bệnh nhân nội trú, 300 bệnh nhân cấp cứu, khám và điều trị cho hơn 3.200 bệnh nhân điều trị ngoại trú) nhưng nguồn thu vẫn thâm hụt. Nguyên do là bệnh viện tự chủ tài chính, nhưng giá dịch vụ phải tuân thủ quy định chung. Nhiều máy móc của đơn vị được trang bị hiện đại nhưng thu không đủ bù chi; giá thu dịch vụ kỹ thuật thấp hơn chi phí bồi dưỡng thủ thuật và không đủ để mua vật tư y tế.
PGS.TS Tăng Chí Thượng - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, với 51/55 bệnh viện công lập trực thuộc quản lý sở y tế tham gia tự chủ tài chính đã giúp ngân sách thành phố tiết kiệm hơn 1.500 tỷ đồng/năm. Các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến quận, huyện đã chủ động nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để thu hút bệnh nhân.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Tăng Chí Thượng, khi tự chủ tài chính nhiều bệnh viện rơi vào tình trạng “chới với” do chưa có sự nhanh nhạy, thích nghi kịp thời. Lãnh đạo các bệnh viện công lập thường là các bác sĩ có trình độ y tế cao nhưng thiếu kinh nghiệm làm kinh tế nên chưa có chính sách thay đổi mạnh mẽ. Điều này đã khiến các bệnh viện gặp khó khăn về tài chính và "chảy máu" chất xám. Tình trạng bác sĩ giỏi nghỉ việc ở bệnh viện công để làm việc ở các cơ sở y tế tư nhân thời gian tới sẽ tiếp diễn.
Rõ ràng, để thích nghi với hoàn cảnh mới, các bệnh viện công lập phải thay đổi đồng bộ các mặt về khoa học, công nghệ, trình độ y bác sĩ, thái độ phục vụ. Nói cách khác, bệnh viện phải thay đổi nhận thức, phải coi bệnh nhân là khách hàng để nâng cao chất lượng dịch vụ. Nếu không làm được điều này, người dân sẽ lựa chọn khám, chữa bệnh nơi khác, bởi chính sách thông tuyến cho phép người có thẻ bảo hiểm y tế có thể đến bất cứ bệnh viện nào cùng tuyến quận, huyện. Theo lộ trình đến năm 2021, bệnh nhân có bảo hiểm y tế sẽ liên thông được tuyến tỉnh, khi đó các bệnh viện yếu, kém không có bệnh nhân sẽ càng gặp khó khăn hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.