(HNM) - Italia đang đứng trước nguy cơ khủng hoảng chính trị khi đảng Italia Viva rút khỏi liên minh cầm quyền vì những bất đồng liên quan tới kế hoạch phục hồi kinh tế. Động thái này sẽ gây không ít khó khăn cho Chính phủ của Thủ tướng Giuseppe Conte trong thời gian tới.
Lãnh đạo đảng Italia Viva (IV) Matteo Renzi tuyên bố, 3 thành viên cấp cao của đảng này gồm Bộ trưởng Chính sách nông nghiệp, lương thực và lâm nghiệp Teresa Bellanova, Bộ trưởng Chính sách gia đình Elena Bonetti và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Ivan Scanfarotto đã chính thức rút khỏi Chính phủ của Thủ tướng G.Conte. Giải thích cho quyết định này, ông M.Renzi nhấn mạnh, đây là hậu quả của những bất đồng giữa đảng IV và đảng Phong trào 5 sao (M5S) của đương kim Thủ tướng trong nhiều tháng qua về một số vấn đề y tế, văn hóa và giáo dục.
Căng thẳng giữa Thủ tướng G.Conte với ông M.Renzi được cho là lên tới đỉnh điểm khi hai bên không tìm được tiếng nói chung liên quan tới việc sử dụng gói cứu trợ trị giá 200 tỷ euro từ Quỹ Phục hồi của Liên minh châu Âu (EU) - để tái thiết nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi khủng hoảng Covid-19.
Theo quan điểm của ông M.Renzi, Thủ tướng G.Conte đã không đầu tư đúng mức vào xây dựng cơ sở hạ tầng và cải thiện tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ. Lãnh đạo đảng IV cũng yêu cầu người đứng đầu Chính phủ vay thêm 36 tỷ euro từ Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) để nâng cấp hệ thống y tế của Italia. Tuy nhiên, đề nghị này không được chấp nhận.
Mặc dù chỉ là một đảng nhỏ, chiếm 48 ghế tại Thượng viện và Hạ viện Italia nhưng sự tham gia của đảng IV trong liên minh cầm quyền với M5S và đảng Dân chủ giúp Chính phủ của Thủ tướng G.Conte giữ được thế đa số trong Quốc hội. Đây là điều cần thiết khi Chính phủ cần thông qua các chính sách phát triển đất nước tại cơ quan lập pháp. Động thái rút khỏi nội các của đảng IV sẽ khiến liên minh cầm quyền rơi vào tình trạng mong manh khi phải tìm kiếm sự ủng hộ từ các nghị sĩ thuộc các đảng khác trong các cuộc bỏ phiếu sau này.
Sóng gió bủa vây chính trường Italia đúng vào thời điểm nước này đang hứng chịu làn sóng thứ 3 của đại dịch Covid-19. Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza vừa cho biết sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp nhằm kiềm chế dịch bệnh lây lan đến cuối tháng 4-2021 sau khi số ca nhiễm mới không có dấu hiệu giảm xuống. Italia hiện ghi nhận hơn 80.300 ca tử vong do Covid-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát tại nước này vào cuối tháng 2-2020. Italia cũng đang là quốc gia có số ca tử vong cao thứ 2 tại châu Âu và cao thứ 6 trên thế giới.
Theo tính toán của các định chế tài chính lớn, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italia năm 2020 sẽ giảm 9,3% so với năm 2019. 40,6% các doanh nghiệp siêu nhỏ, 33,5% doanh nghiệp nhỏ và 18,8% doanh nghiệp lớn đang có nguy cơ phải đóng cửa vì tác động của việc kéo dài tình trạng khẩn cấp do Covid-19. Ngoài ra, 60% khách sạn, nhà hàng cũng phải đóng cửa khiến hơn 800.000 lao động mất việc làm.
Cho đến nay, Italia đã “bơm” tổng cộng hơn 75 tỷ euro vào nền kinh tế để giúp các doanh nghiệp chống chọi với cơn khủng hoảng do dịch Covid-19 gây ra. Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ bù đắp một phần những tổn thất từ tác động của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế. Giới chuyên gia cho rằng, Italia đang đứng trước một số kịch bản. Thứ nhất là Thủ tướng G.Conte có thể sẽ từ chức. Thứ hai, đảng M5S sẽ phải tiến hành thương lượng với một đảng nhỏ khác để thành lập một liên minh cầm quyền mới nhằm tiếp tục duy trì đa số trong Quốc hội. Thứ ba là bầu cử trước thời hạn.
Thế nhưng, dù diễn ra theo kịch bản nào thì sự ra đi của đảng IV cũng ảnh hưởng tới tiến trình triển khai kế hoạch hồi phục nền kinh tế cũng như tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch ở đất nước bên bờ Địa Trung Hải này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.