Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính trường Bồ Đào Nha: Chưa hết nguy cơ bất ổn

Quỳnh Chi| 06/07/2013 06:53

(HNM) - Sau cuộc đàm phán kéo dài ngày 4-7, liên minh cầm quyền trung tả của Bồ Đào Nha đã tránh được nguy cơ tan rã tưởng chừng sắp xảy ra...

Người dân Bồ Đào Nha không còn kiên nhẫn trước chính sách thắt chặt chi tiêu của Chính phủ.


Dưới sự chứng kiến của Tổng thống Bồ Đào Nha Anibal Cavaco Silva, Thủ tướng Passos Coelho - đứng đầu đảng Dân chủ Xã hội (PSD) và Ngoại trưởng Paulo Portas - lãnh đạo đảng Bảo thủ CDS-PP, người vừa nộp đơn từ chức 3 ngày trước đã tìm được "một công thức chung" giúp duy trì sự ổn định của chính phủ. Theo đó, trong thời gian tới, Thủ tướng P.Coelho sẽ tiến hành cải tổ nội các để trao cho ông P.Portas chức Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế. Thỏa thuận đã đạt được giữa hai đảng trong liên minh cầm quyền đồng nghĩa với việc Bồ Đào Nha không phải tiến hành một cuộc bầu cử trước thời hạn. Đây là một vấn đề khiến cả lãnh đạo nước này lẫn Châu Âu lo lắng. Rõ ràng, bất kỳ khoảng trống quyền lực nào tại Bồ Đào Nha vào thời điểm hiện tại cũng có thể gây gián đoạn lộ trình cải cách kinh tế mà Lisbon đã cam kết khi nhận gói cứu trợ 78 tỷ euro của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh Châu Âu (EU) vào năm 2011.

Cái khó của Lisbon hiện nay là để duy trì liên minh cầm quyền, Thủ tướng P.Coelho có thể phải chấp nhận một số điều kiện của đối tác CDS-PP, trong đó có việc nới lỏng chính sách thắt chặt chi tiêu được cho là đã vượt mức giới hạn chịu đựng của người dân Bồ Đào Nha. Dưới tác động của những đợt cắt giảm ngân sách nghiệt ngã, nền kinh tế nước này đã phải trả cái giá khá đắt. Theo dự báo, tổng sản phẩm quốc nội của Bồ Đào Nha sẽ tiếp tục giảm thêm 2,3% trong năm nay, sau 3 năm liền lún sâu vào suy thoái. Tỷ lệ thất nghiệp sẽ vượt lên mốc kỷ lục mới vào khoảng 18%, tương đương với khoảng 920.000 người buộc phải nhàn rỗi.

Để nới lỏng chi tiêu, Lisbon sẽ phải thuyết phục các chủ nợ giảm nhẹ một số điều kiện trong gói cứu trợ. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ vô cùng khó khăn của Thủ tướng P.Coelho. Với các chủ nợ quốc tế, bất kỳ sự nương tay nào đối với Bồ Đào Nha cũng có thể sẽ kéo theo động thái tương tự đối với Hy Lạp, Ireland, Tây Ban Nha và Síp - những quốc gia đã đứng bên bờ vực phá sản và phải nhận gói cứu trợ từ bên ngoài. Bên cạnh đó, Đức - quốc gia có tiếng nói nhất trong khu vực hiện nay - đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội. Chắc chắn, Thủ tướng Angela Merkel sẽ khó lòng chấp nhận những thay đổi về quy chế các gói cứu trợ để nhận lấy rủi ro có thể xảy ra cho đảng cầm quyền trên đường đua khốc liệt sắp tới.

Với thực trạng của Bồ Đào Nha hiện nay, nếu không thể nới lỏng các biện pháp thắt lưng, buộc bụng thì sự "đoàn tụ" của hai chính đảng trong liên minh cầm quyền nhiều khả năng chỉ mang tính chất tạm thời. Nguyên nhân gây chia rẽ chưa được giải quyết triệt để tiếp tục là nguy cơ kéo chính trường Bồ Đào Nha vào vòng xoáy bất ổn bất kỳ lúc nào. Mặc dù vậy, động thái tích cực được phát đi từ liên minh cầm quyền ngay lập tức đã khiến đà lao dốc của thị trường tài chính Bồ Đào Nha đảo chiều. Chỉ số chứng khoán PSI-20 tăng, áp lực lên thị trường trái phiếu cũng giảm mạnh. Thị trường một số quốc gia trong Khu vực đồng tiền chung Châu Âu được cải thiện khi Bồ Đào Nha thoát hiểm trong gang tấc. Tuy nhiên, những biến động trên chính trường quốc gia Tây Nam Âu bốn ngày qua cho thấy cuộc khủng hoảng nợ Châu Âu vẫn chưa lùi xa như đánh giá lạc quan của một số nhà lãnh đạo trong khu vực. Bên cạnh những cảnh báo phá sản thỉnh thoảng lại được gióng lên từ một số thành viên đau yếu, mối lo bất ổn chính trị, xã hội như hệ quả của những "bài thuốc" kiêng khem chi tiêu ngặt nghèo luôn mang đến mối đe dọa về sự ổn định của Lục địa già. Song ít nhất đến thời điểm này, "bệnh nhân" Bồ Đào Nha đã vừa vượt qua được một con sóng lớn. Châu Âu tạm bình yên trước khi đón nhận những phong ba của cơn bão táp nợ nần.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính trường Bồ Đào Nha: Chưa hết nguy cơ bất ổn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.